BSR làm chủ công nghệ lắp cùm cơ khí và bơm keo làm kín đường ống (Phần 1)

Trong quá trình vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, một số đường ống, mối nối bị giảm tuổi thọ do các yếu tố ăn mòn, mài mòn. Mặc dù, công tác giám sát rò rỉ và kiểm tra tính toàn vẹn cơ khí cho thiết bị, hệ thống đường ống được Ban Bảo dưỡng Sửa chữa (BDSC) triển khai định kỳ nhưng không tránh khỏi nguy cơ rò rỉ, hoặc sự cố rò rỉ lưu chất ra môi trường bên ngoài và đây là điều rất nguy hiểm trong công tác vận hành Nhà máy.

Làm chủ công nghệ lắp cùm, bơm keo

Trước đây, tất cả các phần công việc sửa chữa các điểm rò rỉ bằng phương pháp lắp cùm cơ khí và bơm keo làm kín online (Furmanite) thường được thực hiện bởi nhà thầu chuyên nghiệp với chi phí từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/lần xử lý (tùy theo đường kính ống, áp suất, nhiệt độ vận hành và độ phức tạp của vị trí rò rỉ và do tính chất công việc yêu cầu gấp,…).

Để giải quyết bài toán nêu trên, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR – đơn vị quản lý vận hành NMLD Dung Quất) đã phối hợp với Hãng Petroseal (Pháp) tổ chức nhiều khóa đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực khắc phục/sửa chữa các đường ống bị rò rỉ lưu chất hoặc bị suy giảm chiều dày bằng phương pháp Furmanite cho các kỹ sư, công nhân Ban BDSC nhằm chủ động thực hiện.

Kỹ sư Lê Trung Nghĩa – Trưởng bộ phận chuyên môn bảo dưỡng cho biết: Nhân sự của Ban BDSC đã tham gia khóa đào tạo khép kín với chương trình từ lý thuyết đến thực hành. Ban đầu, học viên được học lý thuyết tổng quan về các tiêu chuẩn tính toán, thiết kế các loại cùm cơ khí; hướng dẫn cách đo đạc, lắp đặt và thực hiện việc bơm keo trên các vị trí bị rò rỉ thường gặp.

Bên cạnh đó, học viên được thực hành những thao tác kỹ thuật có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn như các biện pháp an toàn khi tiếp cận vị trí rò rỉ; Biện pháp phòng ngừa trong quá trình làm việc với hệ thống rò rỉ tồn tại áp suất cao; Các bước xử lý trong quá trình thực hiện công việc xử lý rò rỉ; Ngoài ra, học viên còn tìm hiểu thêm về các phương pháp chế tạo các loại cùm cơ khí; Đo kích thước tại các điểm rò rỉ; Lắp đặt cùm cơ khí vào vị trí bị rò rỉ đang tồn tại áp suất và nhiệt độ…

Các kiến thức về bơm keo cũng là một phần quan trọng của khóa đào tạo. Học viên phải học cách vận hành các dụng cụ bơm keo chuyên dụng; Phương pháp, kĩ thuật bơm keo vào cùm cơ khí, kiểm tra áp suất và kiểm soát quá trình bơm keo; Phương pháp xử lý cùm cơ khí sau một thời gian sử dụng; Kĩ thuật an toàn trong quá trình bơm keo; Kiểm tra sau khi hoàn thành công việc bơm keo làm kín cũng được chuyên gia và các học viên trao đổi chuyên sâu trong quá trình đào tạo nhằm nắm vững các nguyên lý để có thể áp dụng trong thực tế một cách chuyên nghiệp và an toàn nhất.

Ông Lê Xuân Trung – Phó Trưởng ban BDSC BSR nhận định: “Nhân sự BSR mặc dù ham học hỏi, tiếp nhận khoa học kỹ thuật nhanh nhưng thực tiễn làm công việc này còn ít nên ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lắp cùm, bơm keo làm kín online, nghề dạy người nên anh em hoàn thiện tay nghề rất nhanh. Các sự cố về rò rỉ trong Nhà máy cơ bản đã được các kỹ sư BSR thực hiện an toàn, chất lượng và đúng tiến độ”.

(Còn tiếp)

Nguồn: tapchicongthuong.vn

Tin mới