Được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì thực hiện Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp”, đến nay sau 4 năm thực hiện, Bộ Công Thương đã có rất nhiều hoạt động nhằm triển khai dự án, nhiều doanh nghiệp (DN) đã từng bước tiếp cận với các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Ông Nguyễn Phú Cường – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương cho biết: “Ngay sau khi dự án được phê duyệt, Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo điều hành và Tổ công tác triển khai dự án; tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến về Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020” và dự án; tuyên truyền, vận động DN tham gia dự án cũng như hướng dẫn các DN đăng ký, xây dựng dự án năng suất, chất lượng…”.
Theo đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho DN là nội dung được ưu tiên của dự án. Trong khuôn khổ dự án, Bộ Công Thương đã tổ chức được 8 hội thảo gồm 1 hội thảo khởi động và 7 hội thảo cho các ngành đặc thù: Dệt may, hóa chất, nhựa, rượu – bia – nước giải khát, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, da giầy. Đặc biệt, Bộ đã hoàn thành 7 khóa đào tạo chuyên sâu về hoạt động năng suất chất lượng: Đào tạo về tiêu chuẩn ISO/TS 16946 cho các DN công nghiệp hỗ trợ; đào tạo về tiêu chuẩn ISO 22000 cho các DN ngành đồ uống; đào tạo chuyên gia năng suất ngành công thương cho các cán bộ thuộc các tập đoàn/tổng công ty/cơ quan nghiên cứu về năng suất chất lượng. Bên cạnh đó, dự án cũng đã xây dựng được 23 quy chuẩn Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm hàng hóa nhóm 2. Ngoài ra, Bộ cũng đã giao xây dựng 18 tiêu chuẩn Việt Nam cho các sản phẩm của ngành giấy, dệt may, cơ khí, dầu khí, hóa chất….
Thông qua dự án, Bộ Công Thương đã xây dựng được 10 mô hình thí điểm về áp dụng các công cụ cải tiến, mô hình quản lý hiện đại. Trong đó có 2 mô hình 5S cho DN ngành dệt may, 1 mô hình DN ngành năng lượng, 1 DN áp dụng tiêu chuẩn AIP Spec Q1 và AIP Spec 10a, 1 mô hình áp dụng tiêu chuẩn ISO/TS 16949, 3 mô hình DN áp dụng tiêu chuẩn 50001, 1 mô hình áp dụng công cụ phân tích tác động và những hình thức sai lỗi (FMEA) và 1 mô hình tích hợp ISO 9001:2008, ISO 14001:2004 và OHSAS 18001:2007.
Bên cạnh đó, dự án cũng đã rà soát và đánh giá lại hiện trạng về tổ chức bộ máy quản lý từ Trung ương tới địa phương liên quan tới vấn đề quản lý năng suất, chất lượng của ngành, để từ đó đề xuất các giải pháp kiện toàn bộ máy quản lý năng suất, chất lượng của ngành công thương và xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý chất lượng và nhân viên phân tích đáp ứng yêu cầu.
Cũng theo ông Nguyễn Phú Cường, sau 4 năm triển khai, dự án đã góp phần thay đổi nhận thức của DN để từ đó DN có kế hoạch hành động nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nhiều DN đã có những hành động cụ thể trong việc xây dựng lại quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, nâng cao quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, nâng cao năng suất lao động vẫn là một bài toán lâu dài đòi hỏi sự chung sức của toàn xã hội. Nếu chính sách tốt nhưng việc triển khai thực hiện tới các cấp, các ngành, địa phương, DN không tốt thì hiệu quả sẽ không cao./.
Minh Kỳ_http://www.tcvn.gov.vn