ISO 50001: Động lực và giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả cho doanh nghiệp Việt

Năng lượng là tài nguyên thiết yếu cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người. Việc khai thác chưa hợp lý các tài nguyên năng lượng và sử dụng năng lượng một cách lãng phí đã đẩy nguồn tài nguyên quý giá này đứng trước nguy cơ cạn kiệt, hơn nữa điều này còn gây ra tổn thất không nhỏ tới lợi nhuận của chính doanh nghiệp, bởi các chi phí phải trả cho việc sử dụng các nguồn năng lượng vào những thời điểm không cần thiết, hoặc sử dụng chúng với một lượng dư thừa. Do đó, sử dụng năng lượng một cách hợp lý và hiệu quả đã và đang trở thành mối quan tâm chung, đồng thời cũng là một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nói riêng, và với toàn nhân loại nói chung.

Áp dụng ISO 50001 là một giải pháp rất quan trọng để kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng tốt hơn và bền vững hơn. Do đó, việc áp dụng ISO 50001 cần được khuyến khích thực hiện như là một minh chứng cho thực hành tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp và tăng cường hình ảnh của doanh nghiệp đối với các đối tác.

Ở cấp Quốc gia, Giải thưởng quốc gia về hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2017 đã được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững. Đối tượng tham dự là các doanh nghiệp tiêu thụ tương đương 2.000.000 kWh điện/năm và đã thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong 5 năm gần đây.

Ở cấp độ hợp tác quốc tế, tháng 7 năm 2017, Mạng lưới hiệu quả năng lượng đầu tiên ở Việt Nam đã chính thức hoạt động với mục tiêu giúp các công ty giảm thiểu chi phí năng lượng, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh, thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong quản lý và sản xuất. 8 công ty đầu tiên tham gia Mạng lưới trong các ngành dệt may, sản xuất giấy, vận tải, chế biến cao su và nhựa đã được tiến hành kiểm toán năng lượng. Các chuyên gia tư vấn Đức và Việt Nam đã thăm các xưởng sản xuất và hỗ trợ trong quá trình kiểm toán này.

Kết quả cho thấy, năm 2016, 8 doanh nghiệp này đã tiêu thụ 104.005.058 kWh điện và tiềm năng tiết kiệm có thể đạt 6.519.322 kWh điện. Với mức chi phí đầu tư 21.486 triệu đồng, 8 doanh nghiệp này có thể tiết kiệm được 10.582,1 triệu đồng tiền điện mỗi năm, thời gian hoàn vốn thấp nhất là 6 tháng đến cao nhất là 5 năm. Việc tận dụng máy móc thiết bị đã có, tích hợp quản lý năng lượng vào các hệ thống quản lý khác sẽ góp phần nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Số doanh nghiệp áp dụng ISO 50001

Tính đến cuối năm 2012, đã có hơn 1.000 tổ chức doanh nghiệp tại 50 quốc gia được chứng nhận tiêu chuẩn ISO 50001 (Theo thống kê của Reinhard Peglau, cán bộ khoa học cao cấp về quản lý môi trường, Văn phòng quản lý Môi trường Đức – nguồn www.iso.com), đây là con số không nhỏ khi tiêu chuẩn này mới được ban hành mới hơn 1 năm (17/06/2011). Tính đến hết năm 2016, đã có 8231 tổ chức doanh nghiệp được chứng nhận tiêu chuẩn ISO 50001, trong đó Việt Nam có 50 doanh nghiệp. Điều này cho thấy ISO 50001 đang dần trở thành xu hướng được nhiều doanh nghiệp quan tâm để nâng cao hiệu quả sử dụng chi phí và tăng lợi thế cạnh tranh.

Năng lượng là yếu tố tác động trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp, ISO 50001 đang dần trở thành một xu hướng xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững, tạo giá trị thực sự từ nội lực doanh nghiệp. Những tổ chức doanh nghiệp nắm bắt và áp dụng hiệu quả chắc chắc sẽ có lợi thế hơn trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nâng cao giá trị thương hiệu.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới