Trong 2 năm sắp tới, 2017 và 2018, Bộ Công Thương có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp nâng cao nhận thức, năng lực áp dụng và phổ biến việc áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” theo quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 25/5/2012 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, Bộ sẽ tuyển chọn các cá nhân và đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ nói trên với các nội dung sau:
– Tổ chức 5 Khóa tập huấn hướng dẫn áp dụng và chuyển đổi mổi hệ thống quản lý môi trường theo phiên bản mới ISO 14001:2015. Đối tượng được tập huấn là các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp chủ lực theo Quyết định 604/QĐ-TTg (Dệt may, Nhựa, Hóa chất, Năng lượng, Thép, Cơ khí, Điện tử – Tin học) và ngành chế biến thực phẩm, khai thác và chế biến khoáng sản;
– Triển khai 22 mô hình doanh nghiệp thực hiện việc chuyển đổi hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2004 sang phiên bản mới ISO 14001:2015. Đó là các doanh nghiệp thuộc các ngành trọng điểm theo Quyết định 604 (Dệt may, Nhựa, Hóa chất, Năng lượng, Thép, Cơ khí, Điện tử – Tin học) và Chế biến thực phẩm; Khai thác và chế biến khoáng sản; đang áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001 phiên bản cũ, có nhu cầu và cam kết chuyển đổi sang phiên bản ISO 14001:2015. Các doanh nghiệp này sẽ được đào tạo, hướng dẫn chuyển đổi; đánh giá, cấp chứng nhận bởi một tổ chức độc lập.
Ngày 15/9/2015, bản ISO 14001:2015 đã chính thức công bố và áp dụng. Tất cả các chứng nhận ISO 14001:2004 đều sẽ hết hiệu lực vào ngày 14/9/2018, tức là các doanh nghiệp đã có chứng nhận ISO 14001:2004 có 3 năm để chuyển đổi sang ISO 14001:2015.
Với sự hợp tác nghiên cứu của 121 chuyên gia về phát triển môi trường thuộc ban kỹ thuật ISO /TC 207/SC 1, đại diện cho các bên liên quan đến từ 88 quốc gia, ISO 14001:2004 đã được sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với môi trường chính trị xã hội hiện nay. ISO 14001:2015 cung cấp một số lợi ích sau:
– Nâng cao khả năng tích hợp giữa các hệ thống quản lý chất lượng và môi trường.
– Việc sử dụng hệ thống tài liệu linh động hơn và bớt đi các điều khoản yêu cầu;
“Suy nghĩ trên rủi ro” giúp doanh nghiệp có thể nhận dạng các cơ hội, hướng đến mục tiêu thỏa mãn khách hàng và cải tiến hiệu quả áp dụng hệ thống.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)