Bộ Công Thương hỗ ngành chế biến thực phẩm, nhựa, cơ khí nâng cao năng suất chất lượng

Thực hiện lộ trình triển khai dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” được phê duyệt theo Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã tiến hành tuyển chọn các cá nhân, tổ chức chủ trì thực hiện một số nhiệm đặt hàng năm 2017 nhằm hỗ trợ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp:

Hỗ trợ thí điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp nhựa và cơ khí:

– Mục tiêu nhiệm vụ: Nâng cao nhận thức và hỗ trợ/thúc đẩy doanh nghiệp ngành công nghiệp ngành nhựa và cơ khí áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thực hiện các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả;

– Nội dung nhiệm vụ: Triển khai 12 mô hình thí điểm doanh nghiệp ngành nhựa và cơ khí áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 (06 mô hình ở phía Bắc và 06 mô hình ở phía Nam). Doanh nghiệp điểm được đào tạo, hướng dẫn áp dụng và cấp chứng nhận bởi một tổ chức độc lập; Các doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm là doanh nghiệp có nhu cầu và cam kết áp dụng hệ thống, cam kết đối ứng ít nhất 30% phí tư vấn, đánh giá. Sẽ có 04 hội thảo theo ngành ( 02 cho ngành nhựa và 02 cho ngành cơ khí) được tổ chức nhằm đánh giá hiệu quả và kinh nghiệm áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001.

Hỗ trợ thí điểm doanh nghiệp ngành công nghiệp cơ khí phụ trợ sản xuất ô tô, xe máy áp dụng và chứng nhận hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/TS 16949

– Mục tiêu nhiệm vụ: Nâng cao nhận thức và hỗ trợ/thúc đẩy doanh nghiệp phụ trợ ngành sản xuất ô tô, xe máy áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO/TS 16949.

– Nội dung nhiệm vụ: Hỗ trợ 05 mô hình thí điểm doanh nghiệp ngành cơ khí phụ trợ sản xuất ô tô, xe máy áp dụng tiêu chuẩn ISO/TS 16949. Doanh nghiệp điểm được đào tạo, hướng dẫn áp dụng; đánh giá, cấp chứng nhận bởi một tổ chức độc lập. Doanh nghiệp điểm là doanh nghiệp có nhu cầu và cam kết áp dụng hệ thống; cam kết đối ứng ít nhất 30% phí tư vấn, đánh giá; 01 hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá hiệu quả và phổ biến kinh nghiệm áp dụng tiêu chuẩn ISO/TS 16949.

Hỗ trợ thí điểm áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000 cho các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm:

– Mục tiêu nhiệm vụ: Nâng cao năng lực và thúc đẩy việc áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000.

– Nội dung nhiệm vụ: Triển khai 12 mô hình thí điểm doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000. Doanh nghiệp điểm được đào tạo, hướng dẫn áp dụng; đánh giá, cấp chứng nhận bởi một tổ chức độc lập; Doanh nghiệp điểm là doanh nghiệp có nhu cầu và cam kết áp dụng hệ thống; cam kết đối ứng ít nhất 30% phí tư vấn, đánh giá.

Tất cả các nhiệm vụ trên đều có thời gian thực hiện trong vòng 2 năm.

Văn phòng NSCL (tổng hợp)

Tin mới