Thực hiện nhiệm vụ “Tuyên truyền, phổ biến về năng suất chất lượng” thuộc “Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp”, Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội cơ khí Việt Nam, Trung tâm Phát triển doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ, Viện Năng suất Việt Nam và Công ty TNHH TUV Nord Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo về “Các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hảng hóa cho các doanh nghiệp ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ” ngày 16/9/2014 tại Hà Nội.
Tham dự hội thảo sẽ có các bên liên quan như: Bộ Công Thương, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam. Ngoài ra còn có Trung tâm Phát triển doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ; Chuyên gia Năng suất Chất lượng, Viện Năng suất Việt Nam, Công ty TNHH Tuv Nord Việt Nam. Các đại biểu đến từ các doanh nghiệp thuộc ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ đã nhiệt tình tham dự hội thảo.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê cho biết, cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp (DN) cơ khí, với 53.000 cơ sở sản xuất, trong đó có gần 450 DN quốc doanh, 1.250 cơ sở sản xuất tập thể, 156 xí nghiệp tư doanh,… Sự phân bổ số lượng các DN nhà nước không đều, chủ yếu tập trung tại các thành phố Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Khoảng 50% cơ sở sản xuất CK chuyên chế tạo, lắp ráp, còn lại chủ yếu là các cơ sở sửa chữa. Tổng số vốn của ngành CK quốc doanh vào khoảng 360 – 380 triệu USD, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành cơ khí vào khoảng 2,1 tỷ USD, trong đó, hơn 50% tập trung vào lĩnh vực lắp ráp ô tô, xe máy và các mặt hàng tiêu dùng khác.
Công nghệ chế tạo CK nội địa về tổng thể vẫn là công nghệ chế tạo đơn giản, lạc hậu, trình độ kém hơn khoảng 2-3 thế hệ so với khu vực. Thiết bị phần lớn là vạn năng qua nhiều năm sử dụng đã lạc hậu về tính năng kỹ thuật, độ chính xác kém, thiếu phụ tùng thay thế, thiếu vốn để đầu tư thay thế, đổi mới, nâng cấp vì vậy cần có giải pháp khắc phục để phát triển ngành một cách bền vững.