Bình Phước hiện có 270 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, chế biến hạt điều và khoảng hơn 400 cơ sở chế biến nhỏ lẻ. Năm 2017, Trung tâm khuyến công tỉnh Bình Phước tiếp tục dành nhiều nguồn lực hỗ trợ triển khai các đề án sản xuất, chế biến điều, qua đó góp sức nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của hạt điều Bình Phước trên thị trường trong nước và quốc tế.
Công nghiệp chế biến điều đã và đang góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do hầu hết doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, dây chuyền sản xuất chưa đồng bộ nên chưa đa dạng được sản phẩm, tỷ lệ sản phẩm thô còn chiếm tỷ trọng lớn nên giá trị gia tăng không cao, khả năng cạnh tranh kém.
Theo chương trình khuyến công của tỉnh, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất sẽ được hỗ trợ đổi mới dây chuyền công nghệ thông qua dự án “Ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền chế biến hạt điều xuất khẩu” để nâng cao năng suất và chất lượng hạt điều thành phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới.
Nhờ dự án này, tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ triển khai 7 đề án bao gồm 1 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và 6 đề án hỗ trợ trong việc ứng dụng các máy móc thiết bị trong sản xuất. Cụ thể, từ đầu năm đến nay tỉnh đã nghiệm thu thành công 2 đề án hỗ trợ máy móc tiên tiến trong sản xuất giúp doanh nghiệp tăng sản lượng và giá trị của hạt điều.
Trung tâm cũng đã hỗ trợ Công ty TNHH MTV SX TM Đức Thịnh (xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng) thực hiện Đề án “Ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền chế biến hạt điều xuất khẩu”. Thiết bị được hỗ trợ đầu tư là máy cắt tách vỏ cứng hạt điều công suất từ 450 – 570 kg điều nguyên liệu/giờ.
Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Hoàng Hưng cũng được trung tâm khuyến khuyến công tỉnh Bình Phước hỗ trợ 195 triệu đồng. Nhờ đó, đơn vị này đã được đầu tư máy bóc vỏ lụa hạt điều với công suất 200-300kg/giờ giúp cải thiện tốc độ bóc vỏ hạt điều. Hạt điều thành phẩm không chỉ có chất lượng cao mà còn đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng.
Bình Phước cũng đã có nhiều doanh nghiệp chủ động đầu tư công nghệ cao đối với ngành sản xuất điều, điển hình như Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phúc An. Gần đây, nhà máy điều Phúc An đã mạnh dạn áp dụng hệ thống xông trùng công nghệ Hà Lan trị giá hơn chục tỷ đồng vào sản xuất, công suất lên tới 64 tấn/4 lò. Điểm đặc biệt là công nghệ xông trùng này không sử dụng bất cứ loại thuốc hay hóa chất nào, mà sử dụng khí CO
2 để loại bỏ nhiễm ký sinh trùng trên sản phẩm một cách tự nhiên, vì thế đảm bảo 100% chất lượng VSATTP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tới những thị trường khó tính nhất trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, Nhà máy đã mạnh dạn đầu tư hàng chục loại máy móc hiện đại để xử lý các công đoạn chế biến hạt điều thay thế cho cách làm thủ công bằng tay. Điều này góp phần làm giảm chi phí cho nhân công, số lượng công nhân chỉ còn khoảng 120 công nhân thay vì 600 người như trước đây.
Hiện nay, sản phẩm hạt điều của Bình Phước đã và đang được xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, Hà Lan, Úc, Canada… Để tạo thuận lợi cũng như hấp dẫn ngày càng nhiều doanh nghiệp tiếp cận đề án hỗ trợ về công nghệ của tỉnh, trong thời gian tới tỉnh Bình Phước sẽ đẩy mạnh triển khai chủ trương chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghiệp sản xuất nói chung và ngành sản xuất điều nói riêng; ưu tiên phê duyệt các đề án khuyến công và tăng cường nguồn kinh phí hỗ trợ.
Văn phòng NSCL