Trải qua 6 năm thực hiện, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương đã thu hút được sự tham gia tích cực của đông đảo công nhân viên chức và người lao động trong toàn tỉnh. Đã có trên 6.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị, làm lợi cho các doanh nghiệp trên 250 tỷ đồng.
Ngày 20/7 vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị tuyên dương lao động giỏi, lao động sáng tạo năm 2016. Có 501 gương lao động giỏi, lao động sáng tạo đã được tuyên dương tại Hội nghị. Dù khác nhau về công việc nhưng điểm chung giữa họ là lòng đam mê sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đến từ Công ty TNHH Triumph International Việt Nam, chị Đặng Hồng Loan, Trưởng bộ phận cắt, là người giàu kinh nghiệm và có nhiều sáng kiến trong lao động. Tiêu biểu là từ tháng 8 năm 2015, sáng kiến của chị đã giúp phòng cắt có thể chủ động sản xuất dây vai ép bằng keo cung cấp cho các dòng sản phẩm mới, không cần phải nhập thêm dây chuyền ép từ châu Âu. Nhờ đó, chị đã giúp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho Công ty.
Anh Lê Quốc Duy, nhân viên quản lý chất lượng, Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa có sáng kiến xây dựng “Quy trình ủ bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải thành phân bón hữu cơ vi sinh”. Nhờ đó, mỗi năm Công ty tiết kiệm được 3 tỷ đồng chi phí xử lý chất thải, vừa tạo ra nguồn bân bón an toàn, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, anh Duy còn có sáng kiến giúp nâng cao tỷ lệ sản phẩm cao su SVR 20 sản xuất từ nguyên liệu mủ dây đạt TCVN 3769:2004 cho xuất khẩu. Ngoài ra, các quy trình sử dụng nước trong chế biến cao su của anh đã chú ý đến việc tách và tái sử dụng nước mủ tạp để tiết kiệm chi phí xử lý nước thải, giảm chi phí khai thác nước ngầm, giảm chi phí thuế tài nguyên, làm lợi cho Công ty khoảng 90 triệu đồng mỗi năm.
Hay như chị Nguyễn Thị Lý, phân xưởng may, Cty Cổ phần Sao Việt là người đã cải tiến máy tự chế rập mép viền, nhờ vậy sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao hơn. Ngoài ra, cải tiến của chị còn giúp giảm bớt 8 lao động trong khi vẫn đảm bảo tiến độ công việc. Chị cũng đã đưa ra giải pháp kết hợp công đoạn và sắp xếp để công nhân sử dụng hai đầu máy dán tocap, vamp liên tục, nhờ đó hiệu quả sản xuất được nâng cao rõ rệt.
Từ những ví dụ trên có thể thấy rằng, khả năng sáng tạo trong lao động sản xuất của người lao động ở tỉnh Bình Dương là rất lớn. Nếu được khơi dậy và phát huy, khả năng ấy sẽ là động lực để các doanh nghiệp của Tỉnh phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)