Tính đến hết tháng 9 năm nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương đã triển khai thành công nhiều đề án hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong số đó có các đề án đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm công nghiệp địa phương. Dưới đây là một số đề án nổi bật:
Đề án “Hỗ trợ dây chuyền ép gạch block trong sản xuất gạch không nung” tại Công ty TNHH TM & XD Quyền Phương (thị xã Bến Cát), có tổng kinh phí 506 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng. Với nguồn kinh phí này, Công ty Quyền Phương đã đầu tư được dây chuyền sản xuất gạch năng suất 4.000 viên/ngày, sử dụng công nghệ ép rung thủy lực, là công nghệ mới trong sản xuất gạch không nung hiện nay. Nhờ đó, sản phẩm tạo ra có độ cứng cao, khả năng chịu lực lớn, đạt tiêu chuẩn sau khi kiểm định tại Trung tâm tiêu chuẩn, đo lường chất lượng – Sở khoa học công nghệ tỉnh Bình Dương.
Đề án “Hỗ trợ đầu tư máy ghép gỗ cao tần trong chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu” tại Công ty TNHH Đồ Gỗ Nguyễn Ngọc (thị xã Tân Uyên) có tổng kinh phí thực hiện 583 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 100 triệu đồng. Máy ép gỗ cao tần giúp Công ty thay thế cho các phương pháp sản xuất thủ công trước đây. Máy hoạt động trên dây chuyền tự động hoàn toàn nên năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng cao, ổn định, từ đó tiết kiệm vật tư sản xuất, đồng thời hạn chế sản phẩm lỗi hỏng.
Đề án “Hỗ trợ dây chuyền sơn tĩnh điện” tại Công ty TNHH SX TM DV Mỹ Hân (thị xã Bến Cát) với kinh phí khuyến công hỗ trợ 150 triệu đồng. Trước đây Công ty sử dụng máy móc cũ tiêu hao nhiều năng lượng, sử dụng nhiều lao động thủ công, sản phẩm làm ra chậm, chất lượng và sản lượng đều thấp. Nhờ đầu tư dây chuyền hiện đại, Công ty đã có thể đáp ứng được các đơn hàng với số lượng lớn, sản phẩm làm ra đạt được độ chính xác về kỹ thuật, nét tinh xảo về mỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh cho cơ sở sản xuất.
Nhận xét về hiệu quả của các đề án, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho rằng, vốn hỗ trợ của nhà nước cho các đề án tuy không nhiều nhưng đã phát huy tốt vai trò “vốn mồi”, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, góp phần cải thiện thu nhập của người lao động cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp nông thôn phát triển.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)