Bình Dương chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực – Phần 2: Những giải pháp căn cơ

Bằng những giải pháp căn cơ từ chương trình hành động của Tỉnh ủy, kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh, Bình Dương phấn đấu đến năm 2020 sẽ nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 80% nhằm phù hợp sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ – công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa.

Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển, thời gian qua tỉnh Bình Dương đã có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, trong đó nổi bật như chương trình “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 – 2015” của Tỉnh ủy. Chương trình đã giúp nguồn nhân lực của tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, tăng lợi thế cạnh tranh và tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước. Qua chương trình, công tác đào tạo nghề cho người lao động được đẩy mạnh, hằng năm, số lượng học viên tốt nghiệp ở các cơ sở học nghề để cung ứng cho thị trường lao động bình quân hơn 30 nghìn người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tại tỉnh đạt hơn 70%.

Chương trình cũng đã tạo điều kiện cải thiện cơ sở vật chất trong công tác đào tạo nghề. Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, đến nay, ngoài tám trường đại học trên địa bàn, tỉnh có mạng lưới cơ sở đào tạo nghề được phát triển khắp các huyện, thị xã, thành phố với 76 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hằng năm, các cơ sở này tuyển sinh khoảng 30 nghìn học viên, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Tính riêng năm 2017, toàn tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho 45.500 lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%. Để nâng cao sự gắn kết giữa đào tạo nghề và nhu cầu của các doanh nghiệp, nhìn chung các trường nghề đã năng động, xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn theo quy định, đầu tư trang thiết bị đào tạo phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp. Sở cũng đã tạo điều kiện để Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mở rộng hợp tác, đào tạo qua việc kết nối tuyển dụng giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp, hướng các học viên, sinh viên học thêm ngoại ngữ nhằm tạo cơ hội có công việc ổn định, lương cao và cơ hội thăng tiến.

Từ thực tế này, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành chương trình “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học – kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới”. Chương trình nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 – 2020, xây dựng nguồn nhân lực với số lượng và cơ cấu ngành nghề hợp lý, phù hợp sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ – công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 80%. Giải pháp thực hiện để đạt mục tiêu chương trình là: nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và toàn xã hội về vai trò của nguồn nhân lực đối với phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và công tác hướng nghiệp, năng lực hoạt động của hệ thống các trường, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; các chính sách phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Để đạt mục tiêu này, bên cạnh các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tập trung đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Bình Dương chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, tỉnh tập trung xây dựng chính sách thu hút các nhà quản lý chuyên nghiệp, chuyên gia giỏi, công nhân kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới; đào tạo nguồn nhân lực với chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao; đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác liên kết trong việc cung ứng và đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa đào tạo và sử dụng, tạo điều kiện đổi mới về nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành. Với những giải pháp này, tỉnh Bình Dương tin tưởng đến năm 2020 sẽ nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 80% nhằm thu hút đầu tư hiệu quả trong giai đoạn mới.

Nguồn: Báo Nhân dân

Tin mới