Ðể DN phát triển, tăng sức cạnh tranh trên thị trường một cách bền vững, chỉ có thể dựa vào yếu tố tăng năng suất lao động. Ðây là bài toán đặt ra trong bối cảnh năng suất lao động của DN cả nước nói chung và DN tại Bình Ðịnh nói riêng đang ở mức thấp.
Năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều lần so với các quốc gia trong khu vực – là thông tin đáng chú ý được ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường chất lượng, Bộ KH&CN), đưa ra tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm áp dụng giải pháp nâng cao NSLĐ và khả năng cạnh tranh của DN, vừa diễn ra tại TP Quy Nhơn.
Tổng lực của nhiều giải pháp
Theo ông Tuấn, NSLĐ cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chứ không chỉ riêng lao động. Việc xác định nguyên nhân và giải pháp tùy thuộc vào từng vấn đề của từng DN.
“Giải pháp chung đối với DN là mô hình tổ hợp của chuyển dịch cơ cấu kinh tế và năng suất nội ngành, ở đó không chỉ đòi hỏi môi trường kinh doanh thông thoáng, cơ sở hạ tầng, chất lượng lao động mà còn là công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo…, tạo nền tảng quản trị và giảm lãng phí cho DN”, ông Tuấn cho hay.
Nói về kinh nghiệm của Công ty CP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) trong nâng cao NSLĐ, Phó Tổng giám đốc Phạm Thị Thanh Hương xác định, đó là việc áp dụng những hệ thống quản lý tiên tiến như: hệ thống các tiêu chuẩn thực hành tốt – GPS; hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015; hệ thống quản lý chất lượng chuyên biệt cho phòng thí nghiệm ISO/IEC 17025:2005. Đồng thời, tích hợp yêu cầu các tiêu chuẩn quốc tế; các dự án áp dụng công cụ cải tiến năng suất, chất lượng 5S – KAIZEN và áp dụng công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng và duy trì năng suất toàn diện.
Trong khi đó, chia sẻ từ DN hàng đầu trong ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) cho rằng, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng như IATF 16949, TPM, quản lý trực quan, 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng)… nhằm loại bỏ các lãng phí, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn của ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo ô tô. Loại bỏ lãng phí và cải tiến liên tục cũng là trọng tâm được DN triển khai; các công cụ quản lý và cải tiến khác cũng được đưa vào áp dụng.
Người lao động là chủ thể
Trong quá trình đưa các hệ thống quản lý, công cụ vào áp dụng, các DN đều gặp không ít khó khăn, thậm chí thất bại do việc thực hiện chỉ mới tạo được phong trào, chưa trở thành động lực của người lao động.
“Vấn đề lớn nhất được nhận ra là hầu hết cán bộ, nhân viên của DN “thiếu tâm thế” khi bước vào triển khai áp dụng các hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến. Nhiều thay đổi đã được đưa ra; công tác huấn luyện, tuyên truyền cho người lao động được thực hiện một cách bài bản làm nền tảng cho các hoạt động cải tiến và duy trì phong trào sáng kiến. Chỉ khi người lao động nghĩ rằng việc đang làm là của chính họ, cho chính họ thì mới có thể thúc đẩy họ nỗ lực hết mình. Khi đó, năng lực và quyết tâm của lãnh đạo cùng với nỗ lực tham gia của mọi người chính là yếu tố quyết định thành công trong các chương trình cải tiến” – ông Đặng Ngọc Tuân, đại diện THACO chia sẻ.
Cùng quan điểm này, bà Hương cũng khẳng định: “Sự thành công trong áp dụng các chính sách quản lý năng suất và chất lượng bắt nguồn từ sự xuyên suốt, thấu hiểu của lãnh đạo DN và sự tham gia của toàn thể người lao động, với quy mô triển khai từ nhỏ đến lớn”.
Có thể nói, nâng cao NSLĐ có ý nghĩa rất lớn, là nhân tố cơ bản quan trọng để DN có thể tạo sức cạnh tranh, thông qua giá thành sản phẩm và tăng tích lũy để thúc đẩy phát triển sản xuất của DN. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng vẫn còn khá mới mẻ, nhất là DN vừa và nhỏ.
Đến nay, chương trình quốc gia về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020 với 9 dự án đã được triển khai tại 6 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố. Tại Bình Định, dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh Bình Định đến năm 2020 đã được triển khai. “Mục tiêu cơ bản của chương trình là tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các DN. Đó là bước tạo tiền đề, là một cú hích của Nhà nước để hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, năng lực cạnh tranh trong giai đoạn mới” – Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Hữu Hà khẳng định.
Nguồn: baobinhdinh.com.vn