“Chúng tôi phải xin phép cơ quan chức năng khi nhập chiếc máy này vì nó có thể làm ra những sản phẩm rất tinh vi. Bây giờ muốn dịch chuyển vị trí đặt máy một chút thì cũng phải làm công văn xin phép. Với nó, ta chỉ cần bỏ nguyên liệu thô vào rồi bấm nút là sáng mai sẽ có thành phẩm. Các hộp số động cơ phức tạp nhất, nó hoàn toàn làm tự động được.”
Đây là lời giới thiệu của ông Nguyễn Vương Long – Phó tổng giám đốc Công ty Công nghiệp chính xác Việt Nam (VPIC) về chiếc máy tạo mẫu hiện đại trong một dịp “đặc cách” cho người lạ vào tham quan.
Chiếc máy tối tân có thể làm ra sản phẩm 3D với độ chính xác cao
Chiếc máy to bằng nửa chiếc ôtô 16 chỗ với 40 máy con bên trong, vận hành hoàn toàn tự động bằng phần mềm máy tính. Ông Long cho biết, máy không chỉ tạo ra mô hình mà sản xuất được các sản phẩm thật. Ít ai biết rằng, công ty này đang là nhà cung cấp khung sườn cho hai dòng môtô hàng đầu thế giới là Ducati và Harley Davidson.
“Harley là thương hiệu chưa bao giờ đưa bất kỳ công đoạn sản xuất nào của mình ra khỏi đất Mỹ. Tuy nhiên, hiện có hai đơn vị tại Myanmar và Việt Nam nhận được đặc quyền đó. Và chúng tôi là một trong hai”, ông Long tự hào cho biết. “Dây chuyền này cần rất ít công nhân” là câu nói mà ông Long thường xuyên nhắc lại khi dẫn người đi tham quan. Tại dây chuyền hàn, một công nhân quản lý 2 robot. Ở xưởng khuôn mẫu, một người có thể vận hành 10 máy. Bên dây chuyền CNC, một công nhân chạy cùng lúc 4 máy, riêng những sản phẩm phức tạp hơn thì họ chạy 2 máy.
Khu xưởng rộng 205.000 m2 ở Khu công nghiệp Giang Điền (Trảng Bom, Đồng Nai) của VPIC có tổng cộng 600 lao động, bao gồm cả khối văn phòng. Khối công nhân cũng làm chia ca. Nhà máy lúc nào cũng yên tĩnh, thưa người, sạch sẽ và hầu như không có mùi đáng kể. Bóng dáng của nền công nghiệp 4.0 dần xuất hiện khi ông Long tuyên bố: “Ở đây máy móc làm việc là chính chứ con người chỉ giám sát, điều khiển”.
Hơn 90% lao động tại VPIC là người Việt. Họ được ông Long đánh giá là đã trải qua đào tạo và nâng cao tay nghề rất kỹ lưỡng. Năng lực tự động hóa ấn tượng của công ty này xuất phát từ một lý do khá dễ hiểu. Đây là công ty 100% vốn của Đài Loan (Trung Quốc). Trong lĩnh vực cơ khí, khối doanh nghiệp FDI Đài Loan đang có phần nhanh nhạy hơn doanh nghiệp nội địa trong việc tiến lên nền công nghiệp mới.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 đang được chú trọng, không chỉ đối với Chính phủ Việt Nam hay thế giới mà bản thân chúng tôi muốn phát triển cũng phải đi theo nó. Tuy nhiên, nó cũng không phải là tất cả. Tùy theo quy trình, mức độ và giá trị của sản phẩm mà chúng tôi ứng dụng phù hợp”, ông Long cho hay.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu xuất hiện với những ứng dụng của đô thị thông minh. Ông Lâm Nguyễn Hải Long – Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết, nhiều ứng dụng tự động hóa của đô thị thông minh đã và chuẩn bị được triển khai rộng rãi trong công viên này. Ví dụ như hệ thống tìm và đỗ xe thông minh, nhận diện người ra vào, chiếu sáng tự động bật tắt…
Trong khi đó, mức độ tự động hóa của Trung Quốc đang ngày một cao. Năm ngoái, Trung Quốc đã sản xuất 72.400 robot công nghiệp, tăng 34,3% so với năm 2015. Theo dự báo của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC), nước này sẽ tiếp tục là thị trường robot lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 54,9 tỷ đôla vào ngành công nghiệp robot và các dịch vụ liên quan, chiếm trên 30% tổng lượng đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực này.
Báo về tương lai nghề nghiệp của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016 dự đoán, “cơn bão” 4.0 sẽ khiến nhu cầu lao động các ngành sản xuất – chế tạo, máy tính – toán học, kiến trúc – kỹ thuật tại khu vực ASEAN suy giảm.
Hai yếu tố này đồng nghĩa với việc cơ hội việc làm cho công nhân sẽ ngày một khó hơn và trình độ cũng yêu cầu cao hơn. Báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự đoán, robot sẽ thay thế 85% công nhân trong ngành dệt may Việt Nam trong vài thập kỷ tới.
Với giới chủ, không phải ai cũng có khả năng vượt qua được những thách thức đã được nói nhiều lần trên các diễn đàn để gặt hái thành công từ xu thế này.
Ông Thảo cho rằng còn có nhiều thách thức để doanh nghiệp cơ khí nội địa có thể tiến lên trình độ công nghệ hàng đầu. “Trình độ kỹ thuật và sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp mình không cao nên độ tin cậy để nhận các đơn hàng lớn của nước ngoài chưa nhiều. Chúng ta còn vướng một số việc lớn như ý thức lao động và tác phong công nghiệp chưa tốt. Tính hỗ trợ đồng vốn vay rất thấp. Doanh nghiệp có thể chịu áp lực lãi suất đến 22% mỗi năm. Vì vậy, doanh nghiệp mà có lời là phải lo trả lãi vay đầu tiên. Doanh nghiệp rất lớn và có kế hoạch dài hạn thì mới bền nổi, còn không sẽ lỗ”, ông Thảo nhận định.
Nguồn: vietnhattan.com.vn