Thời gian vừa qua, Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Bến Tre đạt được nhiều tín hiệu đáng mừng. Đã có những “điểm sáng” trong phát triển kinh tế, chế biến thủy sản và dừa. Dựa theo báo cáo giai đoạn 1 của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, công nghiệp chế biến nông sản là ngành có tiềm năng phát triển nhất tại Bến Tre.
Giai đoạn từ năm 2016 – 2019, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm ưu thế so với các ngành công nghiệp khác của tỉnh. Theo ước tính, đến năm 2019 ngành chiếm tỷ trọng trên 97%, trong đó: nhóm hàng sản xuất, chế biến thủy sản 29%, chế biến dừa 14%, nhóm cơ khí-điện-điện tử chiếm 19,9% còn nhóm hàng dệt may-da giày chiếm 21%.
Đối với ngành công nghiệp chế biến thủy sản, thực tế cho thấy chế biến thủy sản của tỉnh so với các tỉnh vẫn chưa có nhiều tín hiệu tốt. Sản lượng thủy sản đạt 55 ngàn tấn/năm, đứng thứ 4/13 tỉnh, thành phố trong khu vực; xuất khẩu 5 năm ước đạt 497 triệu USD, (chiếm 8,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh). Tỉnh chưa có nhà máy chế biến tôm xuất khẩu mang lại giá trị cao mà chỉ tập trung vào chế biến cá xuất khẩu. Thủy sản khô chủ yếu hoạt động dưới quy mô hộ gia đình. Đây cũng là lý do tăng trưởng xuất khẩu bình quân ở Bến Tre giai đoạn 2015 – 2018 chỉ đạt 8%. Tỉnh là vùng nuôi có sản lượng trong top đầu cả nước nhưng sản lượng xuất khẩu thì hiện tạo đang rất thấp.
Bên cạnh đó, ngành chế biến dừa phát triển khá mạnh. Có thể nói Bến Tre là “vườn dừa quốc gia”, là “thủ phủ” cây dừa của cả nước. Nghề trồng dừa ở Bến Tre từ lâu đã được xem như sắc thái văn minh miệt vườn, ngành dừa luôn đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Với người dân tỉnh Bến Tre, cây dừa đã trở nên hết sức thân thuộc, là cây chiến lược, cây công-nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Toàn tỉnh hiện có 72 ngàn héc ta dừa chiếm 50% diện tích dừa cả nước, sản lượng đạt trên 800 triệu trái, với 138 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lấy nguyên liệu từ trái dừa, kim ngạch xuất khẩu đã vượt mức 200 triệu USD. Đặc biệt những năm gần đây, doanh nghiệp chế biến cơm dừa có sự cải tiến về công nghệ nhằm nâng cao công suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu tới 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có khoảng 30% sản lượng dừa được chế biến thành các sản phẩm. Một phần nguyên nhân do chất lượng không đồng đều của nguyên liệu đầu vào chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và một phần cũng do nông dân sẵn sàng bán nguyên liệu dừa cho trung gian để xuất khẩu với giá cao hơn.
Nhằm đánh giá thực trạng, tiềm năng của các ngành công nghiệp trên địa bàn, Sở Công Thương cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện cuộc khảo sát, nghiên cứu, đánh giá đối với 170 doanh nghiệp trong tổng số 535 doanh nghiệp ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Kết quả phân tích đánh giá làm cơ sở quan trọng cho Sở Công Thương đưa ra định hướng tầm nhìn chiến lược phát triển ngành công nghiệp trong thời gian tới.
Tỉnh Bến Tre đã và đang tăng cường liên kết trong tiêu thụ, đổi mới cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu dừa tầm cỡ quốc gia và thế giới; tạo ra giá trị gia tăng mạnh mẽ có lợi cho người trồng dừa; tăng thu nhập cho công nhân trong các nhà máy sản xuất, chế biến dừa; phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm dừa; không để người trồng dừa thua thiệt trên thương trường.
Văn phòng NSCL tổng hợp