Báo cáo Năng suất Việt Nam 2014 do Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) biên soạn nhằm cung cấp thông tin và kết quả phân tích về các chỉ tiêu năng suất của Việt Nam giai đoạn 2006-2014. Báo cáo lần này tập trung vào các chỉ tiêu quan trọng để đánh giá năng suất của nền kinh tế là năng suất lao động và năng suất yếu tố tổng hợp (TFP).
Trong thời gian vừa qua, vấn đề năng suất của Việt Nam đã được Chính phủ và toàn xã hội đặc biệt quan tâm, do đây là yếu tố tác động quan trọng tới năng lực cạnh tranh và mức sống của người dân. Kết quả tính toán các chỉ tiêu năng suất được trình bày trong báo cáo này phản ánh thực trạng năng suất và hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời cho thấy những khó khăn, thử thách cần phải vượt qua. Việt Nam muốn trở thành một quốc gia có năng suất cao cần có những thay đổi về cơ cấu kinh tế, phân bổ và sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả, phát huy năng lực và khả năng sáng tạo của người lao động, đặc biệt là cần thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất trong doanh nghiệp. Dựa trên cách tiếp cận và phương pháp tính toán của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), cùng với những nỗ lực hợp tác nghiên cứu trong nước và quốc tế của Viện Năng suất Việt Nam, cuốn “BÁO CÁO NĂNG SUẤT VIỆT NAM 2014” là tài liệu tham khảo hữu ích về khái niệm năng suất, các chỉ tiêu năng suất, thực trạng năng suất của nền kinh tế và các thành phần kinh tế có sự so sánh với một số nước trong khu vực và quốc tế. 1. Tốc độ tăng GDP của Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010 đạt 6,32%, giai đoạn 2011 – 2014 đạt 5,72%, tăng đều từ 2006 đến nay. Tốc độ tăng GDP của Việt Nam ở mức trung bình so với một số nước Châu Á, tuy nhiên tăng trưởng tương đối ổn định. 2. GDP bình quân đầu người của Việt Nam 2013 – 2014 đạt khoảng trên 40 triệu đồng/người. Từ năm 2006 đến nay đều tăng, với mức tăng bình quân trên 5% một năm. Năm 2014, GDP bình quân đầu người đã đạt được gần gấp rưỡi so với năm 2005 – 2006. 3. Nếu quy đổi bằng tỉ giá hối đoái tính theo Đô-la Mỹ, năm 2013 GDP trên đầu người của Việt Nam đạt mức 1.911 USD. Nếu tính theo sức mua tương đương giá hiện hành, năm 2013, Việt Nam đạt 5.294 USD/người. Trong số các nước Châu Á được so sánh, các nước phát triển như Xinh-ga-po, Nhật Bản, Hàn Quốc đạt mức rất cao. Trong đó, cao nhất là Xinh-ga-po đạt trên 55.000 USD/người. Với giá trị tuyệt đối vẫn còn khá thấp so với hầu hết các nước, điều này đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. Để bắt kịp với các nước trong khu vực thì Việt Nam cần phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng kinh tế.
4. Năng suất lao động là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhằm nâng cao GDP bình quân đầu người, qua đó nâng cao mức sống của người dân. Năng suất lao động của toàn xã hội năm 2014 ước đạt 74,3 triệu đồng trên một lao động. Nếu tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động xã hội năm 2014 đạt 50,84 triệu đồng trên một lao động. Số liệu cho thấy, từ năm 2005 đến nay, năng suất lao động hàng năm đều tăng với tỷ lệ bình quân khoảng 3,5% một năm. Nhìn chung, năng suất lao động có xu hướng tăng dần một cách ổn định.
5. Việt Nam đang trên đà cải thiện năng suất mạnh mẽ, tuy nhiên khoảng cách về năng suất của Việt Nam so với các nước phát triển còn khá xa, vì vậy cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để thu hẹp khoảng cách này.
6. Trong ba yếu tố tác động tới tăng trưởng kinh tế là tốc độ tăng của vốn, lao động và TFP, vốn có tốc độ tăng cao nhất với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006 – 2010 là 11,67%; giai đoạn 2011 – 2014 là 7,52%. Tốc độ tăng của lao động 2006 – 2010, 2011 – 2014 lần lượt là 2,78% và 1,97%. TFP có tốc độ tăng chậm nhất, giai đoạn 2006 – 2010 là -0,27%, giai đoạn 2011 – 2014 là 1,44%. 7. Xét về xu hướng đóng góp của các yếu tố vào tăng trưởng kinh tế, giai đoạn 2006 – 2010, tăng vốn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế lên tới 80%, đóng góp của tăng lao động là 26%, đóng góp của tăng TFP là – 5,8%. Tuy nhiên, giai đoạn 2011 – 2013 đã có sự thay đổi rõ rệt, đóng góp của vốn chỉ còn 55,6%, đóng góp của lao động là 22,3% và đóng góp của tăng TFP lên tới 22,2%. Giai đoạn 2011- 2014, đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế là 25,8%.
8. Giai đoạn 2006 – 2012, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhìn chung thấp hơn và tốc độ tăng TFP cũng chậm hơn các nước Châu Á được so sánh. Việt Nam là nước đang phát triển nên tăng cường vốn vẫn đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế một cách bền vững và gia tăng khả năng bắt kịp các nước phát triển trong khu vực thì Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào thúc đẩy năng suất thông qua phát triển khoa học công nghệ, kỹ thuật và chất lượng lao động, v.v.