Một trong các mục tiêu của Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nhgiệp” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” là Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) bảo đảm quản lý 100% sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; Tổ chức xây dựng, bổ sung sửa đổi TCVN, QCVN theo quy hoạch, kế hoạch. Phổ biến TCVN, QCVN; hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp xây dựng và áp dụng bộ tiêu chuẩn cơ sở.
Kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ đào tạo, cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp quản lý về tiêu chuẩn, chất lượng; lập quy hoạch, kế hoạch; xây dựng TCVN và QCVN; nghiên cứu, tổ chức đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xây dựng mô hình điểm và hỗ trợ nhân rộng mô hình điểm; đầu tư phát triển mạng lưới đánh giá sự phù hợp phục vụ quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực công nghiệp; Kinh phí của doanh nghiệp để đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đầu tư, tăng cường năng lực thử nghiệm trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ TCVN và QCVN.
Sản phẩm dệt may các loại (Các sản phẩm thuộc Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 37/2015/TT-BCT) thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 21/2017/TT-BCT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Theo đó:
– Mức giới hạn hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm (SP) dệt may không được vượt quá các giá trị sau:
+ 30mg/kg với SP dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi;
+ 75mg/kg với SP tiếp xúc trực tiếp với da;
+ 300mg/kg cho SP không tiếp xúc trực tiếp với da.
– Mức giới hạn về hàm lượng amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo không vượt quá 30mg/kg.
– Các sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam phải được công bố hợp quy phù hợp, theo một trong các hình thức:
+ Tự công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân.
+ Công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận/giám định của tổ chức chứng nhận/ giám định đã được chỉ định.
Thông tư 21/2017/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/5/2018.
Văn phòng NSLC