Quản lý nội vi là một trong những giải pháp sản xuất sạch hơn giúp cải thiện năng suất hữu hiệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Một trong những công cụ đã và đang được Bộ Công Thương khuyến khích, hỗ trợ áp dụng và đang được sử dụng phổ biến nhất trong cộng đồng doanh nghiệp Việt là Lean (Sản xuất tinh gọn) và 5S (Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng).
Thời gian 5 năm trở lại đây, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các Sở Công Thương tại địa phương, cùng các đơn vị tư vấn tổ chức nhiều khóa đào tạo về sản xuất sạch hơn; quản lý nội vi 5S, Lean nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên cả nước được tiếp cận, ứng dụng hiệu quả và thành công các công cụ hữu hiệu trong cải tiến năng suất. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thu được lợi ích từ những công cụ này. Sau đây là một số bài học được các chuyên gia tư vấn đúc rút để có thể áp dụng các công cụ này đem lại lợi ích thiết thực nhất cho doanh nghiệp.
Theo chuyên gia tư vấn Cao Hoàng Long – Viện Năng suất Việt Nam, khi bắt tay áp dụng bất kỳ hệ thống quản lý nào, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ bối cảnh của doanh nghiệp mình và hiểu rõ về những lợi ích mà từng hệ thống quản lý hay công cụ cải tiến có thể mang lại cho doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp đã gặp thất bại ngay từ đầu là do việc đặt mục tiêu không rõ ràng hoặc đặt sai mục tiêu.
Có nhiều sai lầm doanh nghiệp dễ mắc phải như: lãnh đạo quyết định áp dụng hệ thống quản lý chỉ với mục đích có chứng chỉ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng hoặc yêu cầu của gói thầu nào đó; đưa ra cam kết nửa vời, trong quá trình áp dụng không dành đủ nguồn lực và thời gian cần thiết cho việc duy trì việc thực hiện công cụ, thiếu cơ chế chính sách để khuyến khích người lao động… nhân viên thực hiện các yêu cầu với tính chất đối phó, làm cho xong, không quan tâm đến việc làm cho công việc được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn.
Mặt khác, đa phần các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư cho đào tạo, huấn luyện nhân viên những công cụ, những kiến thức về quản lý, sợ rằng điều này làm tăng chi phí, tốn thời gian và ít mang lại hiệu quả. Chỉ có khoảng 34% doanh nghiệp quan tâm tới việc đào tạo cho công nhân viên.
Doanh nghiệp thiếu sự quan tâm đầu tư cho các dự án nghiên cứu, phát triển và cải tiến năng suất và đổi mới công nghệ, một phần do chưa nhận thức được sự cần thiết của việc đầu tư cho các hoạt động này, một phần do sự hạn chế về nguồn lực, doanh nghiệp quy mô nhỏ không có năng lực cho phát triển khoa học và công nghệ nên phải loay hoay trong bài toán công nghệ giá rẻ, bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng đang còn thiếu một tầm nhìn chiến lược dài hạn về phát triển.
Lợi ích khi áp dụng 5S, Lean
Theo chuyên gia Cao Hoàng Long, thông qua những phản hồi của doanh nghiệp, Lean và các công cụ của Lean và chương trình thực hành tốt 5S là những giải pháp quản lý nội vi được áp dụng phổ biến và đem lại hiệu quả nhất. Hầu hết các doanh nghiệp áp dụng Lean và 5S đều tăng năng suất lao động và hình ảnh doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt.
Trong ngành may mặc, rất nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thành công 5S và Lean, tính toán sự thay đổi các chỉ tiêu năng suất cho thấy việc áp dụng những công cụ quản lý nội vi này giúp doanh nghiệp tăng năng suất từ trung bình từ 5 tới 15%. Tổng Công ty may Đức Giang, Công ty may Nam Hà… năng suất đã tăng bình quân khoảng 15 – 20% sau khi áp dụng Lean. Chương trình thực hành tốt 5S trong các doanh nghiệp ngành điện như Tổng Công ty Điện lực Miền bắc – NPC.
Cả 2 công cụ 5S và Lean cùng giúp nâng cao ý thức của người lao động, giảm thời gian sản xuất trên một đơn vị sản phẩm, nhờ đó cải thiện năng suất. Một ưu điểm lớn được các doanh nghiệp sản xuất ghi nhận khi áp dụng 5S hay Lean đó là chi phí đầu tư không quá lớn, dễ dàng thực hiện. Điểm mấu chốt khi áp dụng 5S hay Lean trong quy trình sản xuất là cắt giảm những công đoạn thừa, những vật dụng không cần thiết, gây lãng phí thời gian và công sức lao động mà không đem lại thêm giá trị cho sản phẩm.
Văn phòng CPSI