Bắc Kạn: Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm miến dong

Trước đây, miến dong là một sản phẩm truyền thống của các đồng bào dân tộc ở tỉnh Bắc Kạn, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công tỉnh, hiện nay các sản phẩm miến dong không chỉ phục vụ riêng các thị trường trong và ngoài tỉnh mà còn tiến tới xuất khẩu sang các thị trường có nhu cầu. Việc trồng cây dong riềng trước đây địa bàn tỉnh Bắc Kạn chủ yếu còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát để tự cung tự cấp cho các hộ gia đình. Nhận thấy tiềm năng của sản phẩm miến dong cũng như sự phù hợp của cây dong riềng đối với thổ nhưỡng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành không ngừng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con nhân dân nâng cao thu nhập với việc trồng cây dong riềng. Nhờ đó diện tích trồng cây dong riềng không ngừng được nhân rộng. Năm 2010 là 270 ha, năm 2016 lên 568 ha, sản lượng đạt 40.000 tấn. Năm 2020 dự kiến đạt 1.500 ha diện tích đất trồng dong riềng. Song song với việc phát triển diện tích trồng, việc chế biến dong riềng thành các sản phẩm như tinh bột, miến dong cũng được các lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn quan tâm. Cụ thể:
  • Các cơ sở chế biến tinh bột, miến dong trên địa bàn tỉnh đều được tạo mọi điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư các xưởng sản xuất mới mới đề có thể đáp ứng được sản lượng dong riềng trồng trên địa bàn tỉnh.
  • Tháng 10/2012, sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn” và Hội Nông dân tỉnh được giao quản lý nhãn hiệu này. Đây là thành quả của dự án “Xây dựng và bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn” do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện, khẳng định về mặt pháp lý của sản phẩm miến dong Bắc Kạn.
  • Nhiều chính sách được thực hiện như: Hỗ trợ kinh phí đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến; cho vay vốn phát triển sản xuất, chuyển giao kỹ thuật xử lý bã thải… Nhờ vậy, các hộ đã có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
  • Hơn nữa, ngành Khuyến công Bắc Kạn luôn định hướng và thường xuyên kiểm tra giám sát các cơ sở chế biến tinh bột dong riềng và sản phẩm miến dong song song với cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể đảm bảo vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra vấn đề kiểm soát chất lượng từ khâu chế biến dong riềng thành tinh bột, thành sản phẩm miến dong, đạt các yêu cầu theo các tiêu chuẩn chất lượng được quy định trong nước và quốc tế cũng được nhiều cơ sở tuân thủ.
Với những thành quả đạt được, lãnh đạo ngành khuyến công Bắc Kạn hy vọng rằng, miến dong Bắc Kạn có thể trở thành mặt hàng không chỉ tiêu biểu của tỉnh, mà trong tương lai không xa có thể là sản phẩm tiêu biểu của cả nước.  

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới