Bắc Giang là một tỉnh miền núi, cách Hà Nội 50 km, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 110 km, cách sân bay Quốc tế Nội Bài 60 km, cách cảng nước sâu Cái Lân 70 km và cách cảng Hải Phòng 140 km; nằm cận kề khu vực tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Quảng Ninh, có hệ thống giao thông thuận tiện bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy. Dân số tỉnh Bắc Giang năm 2011 gần 1,6 triệu người. Số lao động trong độ tuổi năm 2011 là 100.000 nghìn người, chiếm 65% tổng dân số.
Để chủ động đón nhận “làn sóng đầu tư” khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế của thế giới, theo cam kết của tổ chức thương mại thế giới (WTO), các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Ban hành nhiều cơ chế chính sách về đầu tư, đất đai, xây dựng và các lĩnh vực khác tại địa phương. Các quy hoạch phát triển kinh tế cũng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Các quy hoạch lớn như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đáp ứng tích cực trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tính đến 31/12/2012, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch và triển khai 04 khu công nghiệp, 34 cụm công nghiệp; đã thu hút được với 693 dự án đầu tư (gồm 588 dự án đầu tư trong nước và 105 dự án đầu tư nước ngoài) với vốn đăng ký là 32.553 tỷ đồng và hơn 1.805 triệu đô la Mỹ, đã có 3.350 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 14.460 tỷ đồng và 536 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký thành lập. Công nghiệp Bắc Giang đã có bước phát triển đáng kể, năng lực sản xuất được nâng lên và dần khẳng định vai trò là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp – TTCN đạt 27.445 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 37,9% so với năm 2011. Nhiều doanh nghiệp đã tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu. Một số dự án lớn được đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành công nghiệp.
Tốc độ tăng trưởng công nghiệp của tỉnh đạt khá, song chưa bền vững, giá trị gia tăng trong đơn vị sản phẩm thấp, chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng. Mặc dù năng suất, chất lượng nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp trong tỉnh đã có nhiều tiến bộ đáng kể, công nghệ sản xuất từng bước được đổi mới, sản phẩm được người tiêu dùng và thị trường chấp nhận. Đến năm 2012, có hơn 40 doanh nghiệp đã xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến (ISO 9001, ISO 14001, HACCP, ISO 22000 …); hơn 400 sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, đa số các sản phẩm do các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh sản xuất có chất lượng và sức cạnh tranh còn yếu, ít sản phẩm chủ lực có thương hiệu và chất lượng cao. Sản phẩm công nghiệp phần lớn được tiêu thụ trên thị trường nội địa, một số sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, song phần lớn là gia công, giá trị gia tăng thấp. Nguyên nhân chính của tình trạng yếu kém về năng suất chất lượng là do các doanh nghiệp chưa có chiến lược tổng thể để xây dựng phong trào năng suất, chất lượng, công nghệ, thiết bị của hầu hết các doanh nghiệp ở mức độ lạc hậu hoặc trung bình, thiếu các phòng thử nghiệm đủ năng lực để thử nghiệm các sản phẩm, hàng hóa chủ lực…
Tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 331/QĐ-UBND Ngày 19/3/2013 về việc phê duyệt dự án “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020”, Dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2013.
Cùng với mục tiêu xây dựng các mô hình áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, phát triển nguồn lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tỉnh. Góp phần nâng cao tỷ trọng của năng suất và các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh lên 25% vào năm 2015 và đạt 30% vào năm 2020;