Tại Bắc Giang, mô hình quản lý chất lượng “5S” hay còn gọi là công cụ 5S đang được một số tổ chức, doanh nghiệp (DN) tích cực đưa vào sử dụng. Đây là công cụ nền tảng giúp các tổ chức, DN cải tiến năng suất, chất lượng, giảm thiểu lãng phí, tạo ra môi trường làm việc khoa học, an toàn; tăng sự tin tưởng của khách hàng và thúc đẩy thu hút đầu tư.
Công ty Điện lực Bắc Giang là đơn vị điển hình trong toàn tỉnh áp dụng thành công 5S. Đầu năm 2016, Công ty tổ chức triển khai thí điểm mô hình 5S tại Điện lực TP Bắc Giang. Với tinh thần “Mỗi người một tay xong ngay 5S”, tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị đều bắt tay vào sàng lọc, loại bỏ những thứ không cần thiết; sắp xếp đồ dùng, hồ sơ, sổ sách, thiết bị… ngăn nắp, khoa học.
Theo ông Đoàn Quốc Ánh, Chánh văn phòng Công ty Điện lực Bắc Giang, chuyển biến rõ nét nhất sau khi áp dụng 5S là chỉ sau một tháng thực hiện, văn phòng của đơn vị trở nên sạch sẽ; mọi người đều chấp hành kỷ luật tốt, làm việc với thái độ tích cực hơn. Hồ sơ sau khi sàng lọc được đánh số, đặt tên theo quy định cụ thể, rút ngắn thời gian thu chi các dịch vụ điện năng; kết quả làm việc nhanh gọn, chuẩn xác; người dân đến giao dịch không phải chờ đợi lâu; thái độ phục vụ của nhân viên chu đáo, chuyên nghiệp. Toàn bộ các phòng, kho đều được sàng lọc chỉ giữ lại những vật cần thiết và xếp lại cho hợp lý.
Từ kết quả này, năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã hỗ trợ 40 triệu đồng nhằm nhân rộng việc áp dụng công cụ 5S đến toàn thể cán bộ, công nhân viên tại Công ty Điện lực Bắc Giang và điện lực 9 huyện còn lại. Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện 5S, toàn bộ hệ thống Công ty đã giảm hàng tỷ đồng từ việc tiết kiệm mua sắm đồ dùng; trang thiết bị; năng lực quản trị nâng cao… tăng số thời gian làm việc hiệu quả lên khoảng 10% so với trước.
Tương tự, Công ty TNHH Việt Pan Pacific (TP Bắc Giang) hơn 2 năm qua đã áp dụng thành công mô hình quản lý 5S vào trong quá trình sản xuất. Bộ mặt của Công ty có sự thay đổi đáng kể. Được biết, đơn vị đã áp dụng hệ thống ISO 9001:2008 vào dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, ISO lại không yêu cầu về môi trường làm việc trong khi đặc điểm của ngành may có nhiều bụi và các vật dụng kim loại dễ gây ô nhiễm và tai nạn lao động. Khắc phục hạn chế này, năm 2017 đơn vị đã áp dụng thêm công cụ 5S. Chị Lê Thị Hạnh, Chủ tịch Công đoàn, Quản đốc công ty cho biết: “5S giúp đội ngũ lãnh đạo cho đến công nhân, người lao động đều có tác phong tự dọn dẹp vệ sinh ngăn nắp, gọn gàng nơi làm việc. Công nhân thường xuyên xếp gọn dụng cụ kim loại vào một hộp; giữ vệ sinh khu vực làm việc và thiết bị; nghiêm túc đeo khẩu trang. Không khí các phân xưởng trong lành hơn. Tỷ lệ người lao động bị nhiễm bệnh và tai nạn nghề nghiệp giảm đi, máy móc ít hỏng”.
Theo ông Nguyễn Phúc Thương, thời gian tới, các đơn vị cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, người lao động hiểu rõ về lợi ích 5S; đồng thời đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công cụ 5S; kịp thời khắc phục những yếu tố không phù hợp. Về phía cơ quan chức năng, Sở sẽ ưu tiên kinh phí cho những DN điển hình; đồng thời tăng cường thông tin những chính sách hỗ trợ để các đơn vị tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi khi áp dụng 5S. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 30% DN trong tỉnh áp dụng thành công 5S.
Nguồn: Báo Bắc Giang