Hệ thống quản lý chất lượng nhằm đảm bảo thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trong suốt chuỗi giá trị. Chất lượng thực phẩm thường liên quan tới các khía cạnh về dinh dưỡng, cảm quan, kinh tế. Ngoài ra, chất lượng thực phẩm còn tương quan với an toàn thực phẩm.
Nhằm giúp các nước thành viên đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng cao đối với thực phẩm chất lượng cao và thực hiện tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng hiện đại, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) vừa tổ chức một khóa nghiên cứu thực tế dài 6 ngày cho các đại biểu về hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm hiện đại tại Tokyo, từ 24 – 29/7/2017. Khóa nghiên cứu thực tế giúp các đại biểu đến từ các quốc gia Châu Á đang phát triển hiểu về các hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm hiện đại, các quy định và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đang được áp dụng tại Nhật Bản.
Trước thực tế người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm và sự thiếu tin tưởng vào các chuỗi giá trị thực phẩm toàn cầu ngày một lan rộng, các chính phủ đang ban hành các quy định chất lượng thực phẩm nghiêm ngặt hơn. Trong khi ngành công nghiệp thực phẩm ở các nước thành viên APO đã sẵn sàng để thực hiện các tiêu chuẩn nhằm đáp ứng yêu cầu của quy định và nhận được sự tin tưởng của cộng đồng, việc thiếu hiểu biết rõ ràng về các hệ thống quản lý hiện tại, cũng như các nguồn tài chính và nhân lực hạn chế sẽ ảnh hưởng đến khả năng thiết lập những hệ thống này tại các doanh nghiệp chế biến thực phẩm quy mô vừa và nhỏ.
Trong buổi chào mừng các đại biểu của khóa nghiên cứu, ông Muhammad Saeed, Giám đốc Ban nông nghiệp của APO khẳng định: Khóa nghiên cứu thực tế đã được thiết kế tốt nhất để cung cấp các kiến thức về chất lượng thực phẩm và các bài thực hành an toàn thực phẩm thông qua sự kết hợp giữa bài giảng lý thuyết và chuyến thăm hiện trường ở một doanh nghiệp chế biến thực phẩm quy mô vừa và nhỏ tại Nhật Bản.
“Sáng kiến này sẽ cho phép bạn xây dựng kế hoạch hành động chiến lược cho việc áp dụng những bài học và hiểu biết sâu sắc rút ra từ kinh nghiệm của Nhật Bản để nâng cao năng lực của ngành công nghiệp thực phẩm ở nước các bạn”. Ông giải thích thêm rằng, ngoài chuyến đi thực địa, các đại biểu cũng sẽ có cơ hội để tìm hiểu về hoạt động đảm bảo chất lượng thực phẩm khi họ đến thăm các cửa hàng và nhà hàng trong thời gian ở Nhật. “Kinh nghiệm cá nhân với tư cách một người tiêu dùng là rất quan trọng để hiểu được tác động của các tiêu chuẩn chất lượng và các quá trình công nghiệp tại Nhật Bản”, ông nhấn mạnh.
Khóa nghiên cứu thực tế có sự tham gia của 17 đại biểu là quản lý cấp cao của các doanh nghiệp thực phẩm lớn, các cán bộ của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm nhỏ và vừa, các chuyên gia quản lý an toàn/ chất lượng thực phẩm trong công nghiệp, các chuyên gia tư vấn, các nhà nghiên cứu, và các quan chức chính phủ, đại diện cho 12 quốc gia thành viên APO. Khóa nghiên cứu được tài trợ bởi Chính phủ Nhật Bản.
5 chuyên gia hướng dẫn khóa nghiên cứu thực tế gồm: Tiến sĩ Teiji Takahashi, từng là đại diện của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc tại Nhật Bản và giảng viên lĩnh vực Nông nghiệp và Khoa học đời sống, Đại học Tokyo; Tiến sĩ Goichiro Yukawa, Giáo sư về quản lý an toàn thực phẩm và chuỗi cung ứng, Trung tâm nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Tiên tiến, Khoa Khoa học và Công nghệ biển, Đại học Tokyo; Tiến sĩ Yasuhiro Inatsu, trưởng phòng thí nghiệm vệ sinh thực phẩm, phòng An toàn thực phẩm, Viện nghiên cứu Thực phẩm quốc gia, thuộc Tổ chức nghiên cứu Nông nghiệp và Thực phẩm quốc gia; Shigeru Yoshida, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Kamaichi và Mitsuo Nakamura, cán bộ của APO.
Văn phòng NSCL biên dịch
Nguồn: http://www.apo-tokyo.org