Trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và các hiệp định FTA với các nước trên thế giới, SA 8000 sẽ là một trong những tờ giấy thông hành giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi muốn xuất khẩu hàng hóa sang nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, châu Âu và các nước thành viên của TPP.
Theo Bản tin Kinh tế ngành Dệt May số tháng 7, Hiệp định TPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ khẳng định lại 4 tiêu chuẩn lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động bao gồm:
(1) Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động (theo Công ước số 87 và số 98 của ILO);
(2) Xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc (theo Công ước số 29 và số 105 của ILO);
(3) Cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (theo Công ước số 138 và Công ước số 182 của ILO);
(4) Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp (theo Công ước số 100 và số 111 của ILO).
Thực tế, Việt Nam đã tham gia là thành viên của ILO từ năm 1992. Mặc dù Việt Nam chưa phê chuẩn các công ước 105, 87 và 98, song đã là thành viên của ILO (theo điều 2 của tuyên bố 1998 ILO) các quốc gia đều có nghĩa vụ phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các công ước của ILO. Bên cạnh đó, khi Hiệp định TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác cũng phải đạt các nguyên tắc cơ bản trong lao động. Đó là chưa kể đến việc người tiêu dùng tại nhiều nước phát triển ngày càng quan tâm đến nguồn gốc của sản phẩm, điều kiện làm việc của người công nhân tạo ra các sản phẩm đó.
Liên quan đến tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội SA 8000, các yêu cầu chính về trách nhiệm xã hội mà tiêu chuẩn này đặt ra bao gồm:
- Lao động trẻ em
- Lao động bắt buộc
- Sức khỏe và an toàn
- Tự do Hiệp hội & Quyền thương lượng tập thể
- Phân biệt đối xử
- Thực hành kỷ luật
- Số giờ làm việc
- Tiền công và hệ thống quản lý
Những tiêu chí này được đánh giá có nhiều điểm tương đồng với các văn bản pháp luật và các chính sách liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người lao động của Việt Nam và tiêu chuẩn lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế. Do đó, việc áp dụng tiêu chuẩn SA 8000 sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khi Hiệp định TPP có hiệu lực năm 2018.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy các công ty dệt may của Việt Nam vẫn chưa mấy mặn mà với tiêu chuẩn SA 8000 khi gặp phải khó khăn về tài chính, vấn đề nhận thức và bảo mật thông tin tài chính.
Về lâu dài, nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển khi Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước trên thế giới có hiệu lực, đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu nội tại của nền kinh tế và các yêu cầu hội nhập quốc tế. Nhà nước cần có những chính sách cụ thể, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thực hiện tiêu chuẩn SA 8000.
Văn phòng NSCL