Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải ứng dụng, cải tiến, đổi mới công nghệ, coi công nghệ là công cụ chiến lược.
Theo ông Phạm Kiên Cường, Phó phòng Kinh doanh Công ty cổ phần Vinafco cho rằng, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh chóng như hiện nay, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại phục vụ trong các khâu của hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo phân tích của ông Cường, việc tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như góp phần tăng đáng kể năng suất lao động, giảm thiểu rủi ro sai sót, giảm chi phí vận hành, giảm số lượng lao động,…
Đơn cử như tại Công ty Vinafco, công ty đã ứng dụng công nghệ vào việc quản lý, vận hành kho bãi. Theo đó, nhờ việc ứng dụng công nghệ, DN đã thu được những lợi ích rất đáng kể. Cụ thể, năng suất lao động sau 6 tháng tăng 15%, chi phí vận hành kho bãi giảm 10%, giảm số nhân sự vận hành kho bãi từ 80 người xuống còn 50 người, độ chính xác trong giao hàng đạt 99,8%, thời gian giao hàng nhanh hơn…
Hay tại Công ty Cổ phần Nước giải khát (CP NGK) Yến sào Khánh Hòa, qua nhiều năm hoạt động, công ty đã sản xuất ổn định và cung cấp cho thị trường 10 loại nước Yến sào Khánh Hòa cao cấp và đã có mặt ở tất cả các kênh phân phối trên toàn quốc thành từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Doanh thu liên tục tăng trưởng trong các năm qua, góp phần vào sự phát triển của Công ty Yến sào Khánh Hòa.
Theo bà Trịnh Thị Hồng Vân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty, để đạt được những thành quả đó, công ty chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất. Thường xuyên hiện đại hóa máy móc thiết bị nâng cao sản lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Còn tại Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Viên Châu – một trong những doanh nghiệp sản xuất gạch lớn và lâu năm của tỉnh Tuyên Quang, vốn có truyền thống về sử dụng lao động thủ công cũng đã bắt nhịp với tự động hóa trong một số khâu sản xuất. Bà Phạm Thị An, Phó Giám đốc Công ty cho biết, để giảm bớt số lượng lao động làm việc, nâng cao năng suất lao động, Công ty đã đầu tư máy nâng, đầu kéo palet hỗ trợ tạo hình, vận chuyển gạch mộc, bốc xếp sản phẩm… Từ khi đầu tư máy nâng xếp tự động, năng suất lao động tăng lên trên 30%, số lượng lao động trong khâu này giảm hơn 20 người. Tuy nhiên, theo bà An, việc tiếp cận các công nghệ hiện đại tại đơn vị hiện vẫn còn hạn chế do tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp chưa đủ mạnh.
Tương tự, theo chia sẻ của ông Dương Quốc Thái, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bao bì Nhựa Sài Gòn, hiện nay doanh nghiệp này vẫn duy trì được năng lực cạnh tranh nhờ có những khách hàng lớn, ổn định. Nguyên nhân là do công ty tập trung đầu tư, máy móc, thiết bị đồng bộ, sản xuất thành công một số loại bao bì phức tạp từ công nghệ mới, làm giảm giá thành sản phẩm.
Nguồn: Báo Chất lượng Việt Nam