Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: Doanh nghiệp Việt ưu tiên lựa chọn

Hiện nay, việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng các công cụ nâng cao năng suất là một trong những giải pháp được nhiều doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn nhằm cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ những khiếm khuyết, giảm thiểu lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng được cao nhất nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của tổ chức trên thị trường. Xung quanh vấn đế này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Quý Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng.

Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 đã gần như hoàn thành giai đoạn 1, ông có thể cho biết những kết quả bước đầu của chương trình này? Ông Ngô Quý Việt: Tính đến tháng 10/2014, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đã có trên 8.100 TCVN; tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt tỷ lệ trên 43% đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển kinh tế xã hội trong nhiều lĩnh vực. Theo lĩnh vực được phân công, các bộ, ngành đã và đang đẩy mạnh việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đến nay đã có trên 550 QCVN được 14 Bộ quản lý chuyên ngành/lĩnh vực ban hành. Việc “Quy hoạch mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp đến năm 2020”, cơ sở cho việc thiết lập mạng lưới tổ chức tổ chức đánh giá sự phù hợp – đang trong quá trình soạn thảo và dự kiến sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng, đến tháng 10/2014 đã có 51 địa phương đã có dự án năng suất chất lượng (NSCL) được phê duyệt và đi vào triển khai thực hiện. Nhiều địa phương có dự án NSCL triển khai có hiệu quả tốt như Cà Mau, Quảng Trị, Trà Vinh, An Giang, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Trà Vinh, Thừa Thiên Huế… Một số dự án hỗ trợ doanh nghiệp đã thu được kết quả nổi bật như: hỗ trợ nuôi tôm ở dự án tỉnh Cà Mau, hỗ trợ chứng nhận Viet GAP, rau an toàn ở dự án tỉnh An Giang, Sơn La. Chương trình cũng đã hỗ trợ cho khoảng …. Doanh nghiệp triển khai thực hiện các công cụ nâng cao năng suất chất lượng, hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 1. Về mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP lên 30% vào năm 2015, đến nay, phương pháp tính TFP cơ bản đã hoàn thành, đảm bảo tin cậy và phù hợp (đã thống nhất cơ bản với Tổng cục Thống kê về phương pháp này). Với phương pháp tính đã nghiên cứu, số liệu TFP bình quân giai đoạn từ 2011-2013 là 22,15% và TFP tính cho năm 2013 là 32,51%.

Mục tiêu của Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” có đề cập đến vấn đề xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng. Vậy các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện vấn đề này như thế nào và có số liệu nào thể hiện sự thành công của việc áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng này tại doanh nghiệp hay không? Ông Ngô Quý Việt: Tính đến tháng 10/2014 đã có hơn 1000 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ nâng cao NSCL. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ cũng như áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng như ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000, Lean, TPM… được thừa nhận về khả năng mang lại những lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp trên nhiều khía cạnh: Tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí sản xuất, duy trì tính ổn định của chất lượng sản phẩm; cải tiến năng suất lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh đồng thời xây dựng được phong cách làm việc khoa học có tính hệ thống. Đặc biệt, có những doanh nghiệp sau khi áp dụng công cụ, mô hình nâng cao NSCL như 5S, TPM, LEAN… năng suất đã có sự cải thiện rõ rệt, thông thường, các công ty sau khi áp dụng các công cụ cải tiến, năng suất tăng tới 20-30% hoặc cao hơn mà chưa cần tới những đầu tư lớn về máy móc thiết bị.

Theo kế hoạch sẽ có 40.000 doanh nghiệp được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng. Vậy việc triển khai việc này có khó khăn gì không và doanh nghiệp được lợi gì khi tiếp cận những công cụ quản lý này? Ông Ngô Quý Việt: Mặc dù có những kết quả đáng khích lệ từ việc triển khai áp dụng các mô hình và công cụ cải tiến năng suất suất chất lượng trong giai đoạn 1, nhưng việc triển khai tới các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Trong những năm vừa qua, sản xuất kinh doanh có nhiều biến động, số doanh nghiệp giải thể nhiều, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tất cả các khâu, từ khâu nguyên liệu đến khâu thị trường, nguyên nhân chính vẫn từ kém năng lực cạnh, chất lượng hàng hóa chưa ổn định, chưa hội nhập được với nền kinh tế toàn cầu. Việc thuyết phục được các doanh nghiệp bỏ thời gian và công sức cho hoạt động cải tiến năng suất, chất lượng không phải dễ dàng. Bên cạnh đó, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận và áp dụng thành công những hệ thống và công cụ quản lý do hiện tại, quản lý sản xuất dựa trên kinh nghiệm, chưa có sự chuẩn bị về nguồn lực;, nhận thức, trình độ nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế; mặt khác những tác động từ bên ngoài như sự biến động của chính sách, khó khăn chung của nền kinh tế khiến doanh nghiệp thường xuyên phải điều chỉnh chiến lược dài hạn. Bằng những mô hình nghiên cứu điển hình đã thành công trong giai đoạn 1, những lợi ích mang lại đã nhìn thấy được về nâng cao năng suất, chất lượng, giảm lãng phí ở các doanh nghiệp áp dụng, hy vọng rằng trong giai đoạn 2 của dự án, việc thuyết phục các doanh nghiệp tham gia sẽ dễ dàng hơn và qua đó hoàn thành mục tiêu của chương trình.

Ông nhận định như thế nào về vị thế của doanh nghiệp Việt Nam khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập “Cộng đồng kinh tế ASEAN” vào cuối năm nay và tiếp theo đó là tham gia một số các hiệp định như: Hiệp định Việt Nam – EU FTA và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Và khi các doanh nghiệp đã áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ nâng cao năng suất thì khả cạnh tranh ở thị trường quốc tế thì sẽ như thế nào? Ông Ngô Quý Việt: Về câu hỏi “vị thế của doanh nghiệp Việt Nam khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập “Cộng đồng kinh tế ASEAN” vào cuối năm nay”, các nhà nghiên cứu kinh tế sẽ có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng tham gia vào “Cộng đồng kinh tế ASEAN” sẽ có nhiều cơ hội cho Việt Nam, như cơ hội về thị trường, cơ hội về lao động việc làm, cơ hội tiếp nhận những tiến bộ về khoa học kỹ thuật; nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam, đặc biệt là vấn đề thị trường, và lao động giỏi có trình độ. Trong một thị trường mở, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài trên chính thị trường nội địa và những lao động giỏi sẽ chuyển dịch sang những tập đoàn, doanh nghiệp mạnh hơn, uy tín hơn, trả lương cao hơn. Các hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất chất lượng là một trong những giải pháp quan trọng bên cạnh những giải pháp về đầu tư đổi mới khoa học kỹ thuật giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất và qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh.

Đăng Minh

Tin mới