Việc áp dụng thành công các công cụ cải tiến năng suất sẽ tác động tích cực đến mọi thành phần kinh tế trong xã hội. Vậy đối với doanh nghiệp, các công cụ cải tiến tác động như thế nào?
Bất cứ một DN nào cũng mong muốn tồn tại và phát triển lâu dài. Để đạt được mục tiêu ấy, DN phải làm ăn có hiệu quả, tạo ra được những sản phẩm đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, giá cả cạnh tranh, cung cách dịch vụ tốt. Khi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến nâng cao năng suất giúp DN đạt được mục tiêu như nói trên. Tuy nhiên, áp dụng công cụ cải tiến năng suất đòi hỏi lãnh đạo DN phải có tầm nhận thức, cam kết, linh hoạt chọn lựa và vận dụng công cụ quản lý phù hợp với đặc điểm của DN mình.
Cũ người, mới DN Việt
Trên thực tế, tại Việt Nam việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng vẫn còn khá mới mẻ, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa. Trong khi việc áp dụng thành công các công cụ cải tiến năng suất sẽ tác động đến mọi thành phần kinh tế trong xã hội như DN sẽ tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận, người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng tốt với chi phí hợp lý, người lao động gia tăng thu nhập, Chính phủ tăng nguồn thu từ thuế.
Các công cụ cải tiến năng suất như: 5S, Kaizen, Lean, Six Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC… là những giải pháp giúp DN cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ những khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của DN trên thị trường.
Mỗi công cụ cải tiến năng suất đều đem đến cho DN những lợi ích riêng. Ví dụ, việc áp dụng công cụ cải tiến năng suất như: Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) giúp DN hình thành được phương pháp và cách thức kiểm soát chi phí đối với các nguyên vật liệu tham gia quá trình sản xuất và giảm lãng phí.
Việc áp dụng hệ thống bảng điểm cân bằng (BSC) hỗ trợ các DN kiểm soát tốt mục tiêu chiến lược và quá trình hoạt động thông qua hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả công việc (KPIs), từ đó, giúp các DN nâng cao được chất lượng sản phẩm, giảm thiểu các chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Việc áp dụng bảo trì năng suất tổng thể (TPM) giúp DN tối ưu hoá hiệu suất hoạt động, loại bỏ sự cố, sai sót của máy móc thiết bị thông qua việc tự bảo dưỡng máy móc trong quá trình sản xuất hàng ngày. Điều này sẽ giúp DN hợp lý hoá chi phí sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đã có DN đi đầu
Đã có khá nhiều DN được lợi từ việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, giúp nâng cao năng suất từ 15-30%. Điển hình như Cty CNC – Vina Hà Nội tăng tỷ lệ các dự án thiết kế hoàn thành đúng tiếp độ giao hàng lên 19%, tỷ lệ đơn hàng lắp rắp cơ đúng tiến độ từ 22% lên 64%, tỷ lệ đơn hàng lắp rắp điện đúng tiến độ từ 11% lên 55%, giảm tỷ lệ tồn kho hàng chính hãng so với kho chung xuống dưới 20%, giảm giá trị hàng lưu kho chính hãng từ 1,586 tỷ xuống 1,216 tỷ đồng/tháng.
Công ty May Hưng Nhân – Tổng Công ty Đức Giang kết quả sau 06 tháng triển khai đã giảm 75% hàng tồn trên chuyền, giảm thời gian hàng ra chuyền từ 2 ngày xuống trong trong ngày, thời gian hàng nhập kho từ 5 ngày xuống 1 ngày, năng suất chuyền may tăng 25-30%.
Sau 6 tháng triển khai dự án cải tiến Kaizen, Công ty Cổ phần May Nam Hà đã giảm được tỷ lệ hàng sai lỗi từ 8,8% xuống còn 8,1%, giảm 25% hàng tồn trên chuyền, hàng tồn so với năng lực sản suất giảm từ trung bình 2,37 ngày xuống còn 1,34 ngày, sản lượng bình quân ngày tăng từ 415 sản phẩm lên 899 sản phẩm.
Thực tế trên cho thấy, các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng là một trong những giải pháp quan trọng bên cạnh những giải pháp về đầu tư đổi mới khoa học kỹ thuật giúp DN ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất và qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh.
Chuyên gia kinh tế “đọc vị” yếu kém của DN Việt
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, doanh nghiệp Việt Nam đang bị “vướng” và có nhiều yếu kém, gây cản trở để năng xuất tăng cao và năng suất lao động thấp.
Lấy ví dụ cụ thể, TS Phong cho rằng, trong nghề mộc, có thể áp dụng máy móc trong các khâu, công đoạn cưa, bào, đục mộng,… Chỉ cần giữ công nghệ truyền thống về chạm khắc và thiết kế mẫu mã.
“Nếu quy trình công nghệ là truyền thống thì vẫn có thể xem xét để áp dụng máy móc, đổi mới quy trình ở một số công đoạn”, TS. Phong nói.
Cũng theo chuyên gia này, công tác tổ chức bộ máy cần xem xét giảm thiếu tất cả các lao động dôi dư, những công đoạn thừa và khuyến khích các lao động theo hướng chuyên môn hóa cao trong lĩnh vực sản xuất trực tiếp, đồng thời tăng sự kiêm nhiễm ở một số bộ phận quản lý gián tiếp. Coi trọng đào tạo tay nghề, đạo đức nghề nghiệp và xây dựng văn hóa kinh doanh phù hợp trong doanh nghiệp. Xây dựng các chính sách khuyến khích những người tài, năng động, phát huy sáng kiến, dám nghĩ, dám làm và biết hoạt động nhóm. Đồng thời, cập nhật và so sánh các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ năng suất tiên tiến nhất trên thị trường.
“Các doanh nghiệp Việt Nam thua kém doanh nghiệp khu vực trong hầu hết các tiêu chí trên. Cần khẳng định rằng, năng suất lao động và trình độ cá nhân của lao động Việt Nam sẽ không hề thua kém với bất kỳ lao động của bất kỳ các nước nào trên thế giới, nếu trong cùng một điều kiện môi trường lao động, trình độ trang thiết bị, sản phẩm và lĩnh vực cùng các nguyên tắc tổ chức sản xuất kinh doanh”, TS Phong nói thêm.
Nguồn: http://enternews.vn