Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã triển khai áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng nhưng số lượng doanh nghiệp đạt kết quả thì thật sự vẫn còn hạn chế.
Đó là chia sẻ của bà Vũ Hồng Dân, Trưởng phòng Tư vấn cải tiến năng suất, Viện Năng suất Việt Nam trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lườn Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ.
DN áp dụng công cụ cải tiến năng suất đạt hiệu quả chưa cao
Trước tình hình nền kinh tế thị trường đã và đang tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ, khốc liệt thì việc doanh nghiệp (DN) có năng lực vượt trội trong quản lý điều hành, trong quản trị tài chính, trong quản trị chiến lược,… sẽ có ưu thế và lợi thế rõ rệt; song hành với đó là các DN có năng lực yếu kém sẽ gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh hoặc phải tự đào thải.
Trên thực tế, tại Việt Nam việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng vẫn còn khá mới mẻ, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa. Trong khi việc áp dụng thành công các công cụ cải tiến năng suất sẽ tác động đến mọi thành phần kinh tế trong xã hội như DN sẽ tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận, người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng tốt với chi phí hợp lý, người lao động gia tăng thu nhập, Chính phủ tăng nguồn thu từ thuế.
Các công cụ cải tiến năng suất như: 5S, Kaizen, Lean, Six Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC… là những giải pháp giúp DN cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ những khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của DN trên thị trường.
Mỗi công cụ cải tiến năng suất đều đem đến cho doanh nghiệp những lợi ích riêng. Tuy nhiên thực trạng DN áp dụng các công cụ cải tiến năng suất tại Việt Nam còn ít và đạt hiệu quả chưa cao.
Lý giải nguyên nhân này, bà Vũ Hồng Dân, Trưởng phòng Tư vấn cải tiến năng suất, Viện Năng suất Việt Nam cho rằng, hiện nay nhiều DN đã triển khai áp dụng các công cụ cải tiến năng suất nhưng số lượng DN đạt kết quả thì thật sự vẫn còn hạn chế.
Trưởng phòng Tư vấn cải tiến năng suất, Viện Năng suất Việt Nam Vũ Hồng Dân cho rằng, khía cạnh dẫn đến điều này đó chính là rào cản phía nhận thức. Nhiều DN biết và muốn áp dụng các công cụ cải tiến nhưng lại chưa biết làm có đem lại lợi ích, giải quyết vấn đề hiệu quả hay không. “Khi vẫn còn băn khoăn liệu áp dụng các công cụ cải tiến có đem hiệu quả hay không thì tức là chưa có niềm tin biến thành hành động” – bà Dân cho biết.
Tiếp theo đó, khi muốn rồi người ta có rào cản tâm lý và sức ì. Khi đã muốn áp dụng rồi thì phải thay đổi biến thành hành động và cách làm. Khi muốn rồi thì phải lôi kéo người khác làm, đó là một quá trình rất dài, đòi hỏi chính bản thân của cá nhân, của nhóm, của tập thể lãnh đạo cũng như người lao động.
Cuối cùng, muốn rồi, hành động rồi nhưng còn phương pháp làm. Cải tiến không phải tự phát, khó ở đâu và sửa ở đấy, vỡ chỗ nào sửa ở đấy. Ở đây là phương pháp mang tính bài bản, hệ thống, nhân rộng giúp giải quyết vấn đề nóng bỏng, lo lắng, ưu tiên của DN thì nhiều DN lúng túng không biết triển khai như thế nào.
“Một mớ các công cụ hệ thống ai nói cũng hay nhưng ta áp dụng cái nào, áp dụng được với DN này nhưng có áp dụng được với DN kia hay không. Thực sự nó tốt nhưng nó tốt trong bối cảnh và cách sử dụng nhất định. Vì vậy chúng ta còn lúng túng trong cách áp dụng, triển khai” – bà Dân nhận định.
Áp dụng công cụ cải tiến không là phong trào mà là nhu cầu
Đã có khá nhiều DN được lợi từ việc áp dụng mô hình quản lý tinh gọn (Lean), Kaizen, 5S, giúp nâng cao năng suất từ 15-30%. Điển hình như Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Chia sẻ về điều này, ông Trần Trung Tưởng – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết, đối với 1 DN tất cả đều mong muốn DN mình phát triển cách bền vững. Tuy nhiên để phát triển bền vững trong thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì không đơn giản.
Do đó công cụ để các DN thực hiện tốt nhất đó là công cụ cải tiến năng suất, chất lượng liên tục. Cái khó nhất đối với 1 DN khi đưa công cụ vào áp dụng là cách thức mình triển khai như thế nào để nó không trở thành phong trào mà trở thành nhu cầu của bản thân tất cả các cán bộ công nhân viên trong công ty.
Đại diện Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cũng cho biết, hơn 1 năm nay, việc áp dụng công cụ cải tiến đã trở thành nhu cầu thường xuyên đối với các cán bộ công nhân viên trong Công ty. Khi thực hiện đạt được các mục tiêu đã đề ra, thu nhập của những người này cũng được nâng lên.
Bên cạnh đó, Cty CNC – Vina Hà Nội cũng là một công ty tiêu biểu trong việc áp dụng thành công các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng. Nhờ áp dụng công cụ cải tiến năng suất đã tăng tỷ lệ các dự án thiết kế hoàn thành đúng tiếp độ giao hàng lên 19%, tỷ lệ đơn hàng lắp rắp cơ đúng tiến độ từ 22% lên 64%, tỷ lệ đơn hàng lắp rắp điện đúng tiến độ từ 11% lên 55%, giảm tỷ lệ tồn kho hàng chính hãng so với kho chung xuống dưới 20%, giảm giá trị hàng lưu kho chính hãng từ 1,586 tỷ xuống 1,216 tỷ đồng/tháng.
Công ty May Hưng Nhân – Tổng Công ty Đức Giang kết quả sau 06 tháng triển khai đã giảm 75% hàng tồn trên chuyền, giảm thời gian hàng ra chuyền từ 2 ngày xuống trong trong ngày, thời gian hàng nhập kho từ 5 ngày xuống 1 ngày, năng suất chuyền may tăng 25-30%.
Nhờ dự án cải tiến Kaizen, Công ty Cổ phần May Nam Hà đã giảm được tỷ lệ hàng sai lỗi từ 8,8% xuống còn 8,1%, giảm 25% hàng tồn trên chuyền, hàng tồn so với năng lực sản suất giảm từ trung bình 2,37 ngày xuống còn 1,34 ngày, sản lượng bình quân ngày tăng từ 415 sản phẩm lên 899 sản phẩm.
Nguồn: VietQ