An Giang: Kết quả Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa từ nay đến năm 2015”

Qua 4 năm thực hiện Quyết định số 783/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại An Giang từ nay đến năm 2015”, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh An Giang triển khai đạt được những kết quả như sau:

– Xác định sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh: Với lợi thế cũng như tiềm năng sẵn có từ thiên nhiên ưu đãi, các mặt hàng chủ lực của An Giang là lúa-gạo, cá tra/basa và rau quả đông lạnh.

– Có 20 đơn vị sản xuất trong tỉnh tham gia dự án nâng cao năng suất chất lượng của tỉnh, trong đó: 19 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khô cá, mắm cá thực hiện công bố sản phẩm phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương cho 30 sản phẩm khô cá, mắm cá; Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang tham gia áp dụng 03 công cụ nâng cao năng suất chất lượng: 5S, kaizen và KPI.

– Để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu và được UBND đồng ý hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia dự án với mức hỗ trợ là 50% chi phí nhưng không quá 60 triệu đồng/doanh nghiệp và đồng ý hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp; đồng thời tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm Giống thủy sản An Giang xây dựng mô hình VietGAP cho lươn, cá lóc, tôm và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản xây dựng mô hình rau an toàn cho 04 vùng tại 03 địa phương: TP Long Xuyên, TP Châu Đốc, huyện Chợ Mới và UBND huyện Chợ Mới xây dựng mô hình VietGAP cho sản phẩm xoài tại xã Bình Phước Xuân.

– Phối hợp với Trung tâm Kỹ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Trung tâm Kỹ thuật 3 TPHCM), Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC-2) tổ chức 02 lớp tập huấn về năng suất chất lượng cho các Sở, ban ngành, doanh nghiệp trong tỉnh; 02 lớp đào tạo chuyên gia năng suất chất lượng cho công chức các Sở, Chi cục, Trung tâm thuộc Sở, cán bộ huyện, thị, thành phố.

Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ đã ban hành các Quy chế có liên quan đến năng suất và chất lượng như: Quy chế xét duyệt hỗ trợ doanh nghiệp công bố chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn; Quy chế xét duyệt hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến; Quy chế hỗ trợ xét duyệt hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công cụ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

* Nhận xét đánh giá:

Nhìn chung qua 4 năm triển khai dự án không đạt yêu cầu so với mục tiêu, vì những nguyên nhân:

– Khi triển khai dự án là thời kỳ khủng hoảng kinh tế chung của cả nước nên các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh;

– Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có trình độ tiếp cận, hiểu biết về năng suất có hạn chế nên không quan tâm đến dự án năng suất của tỉnh;

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn ít nên không đủ kinh phí để đối ứng khi tham gia dự án.

– Tự bản thân các chủ doanh nghiệp cần thúc đẩy các hoạt động cải tiến năng suất trong doanh nghiệp, xây dựng văn hóa cải tiến trong các doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động trong việc xác định vấn đề và lựa chọn các giải pháp phù hợp để tăng năng suất.

– Bộ, ngành trung ương không có quy định mức hỗ trợ, nên địa phương không có cơ sở trình UBND mức hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp tham gia dự án.

– Các cơ sơ sản xuất khô cá, mắm cá được hỗ trợ kinh phí công bố sản phẩm phù hợp quy chuẩn địa phương, có thể đưa được sản phẩm vào các siêu thị, tạo điều kiện thuận cho các cơ sở sản xuất khô cá, mắm có đầu ra sản phẩm. Đối với Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang sau khi áp dụng công cụ 5S, kaizen đã tăng năng suất lao động, giảm lãng phí, tiết kiệm được nguyên liệu mang lại hiệu quả rất lớn cho Công ty./.

Nguồn: H. Đại An  tbtagi.angiang.gov.vn

Tin mới