Ai tạo ra năng suất lao động?

Thỉnh thoảng lại gặp một số bài báo giật tít như “16 người Việt năng suất lao động bằng 1 người Singapore”, “ Năng suất lao động kém, người Việt làm bằng 1/5 người Malaysia, 1/3 người Thái Lan”.

Hiểu một cách đơn giản, năng suất lao động đo lường lượng hàng hóa và dịch vụ được tạo ra trong một giờ lao động. Tất cả chúng ta đều có 24 giờ/ngày, vậy năng suất lao động phụ thuộc hầu hết vào giá trị sản phẩm, dịch vụ mà người lao động tạo ra trong thời gian đó hoặc dây chuyền, công nghệ sản xuất vượt trội. Nói nôm na, một nông dân Việt Nam mất ba tháng để sản xuất ra một tấn lúa, một người Singapore mất một ngày để sản xuất ra một chip bán dẫn hay điện thoại thông minh có giá trị gấp đôi một tấn lúa. Đó chính là hình ảnh minh chứng về giá trị sản phẩm tạo ra của người lao động. Vậy việc năng suất lao động người Việt Nam kém xa người dân nhiều nước trong khu vực là do chính bản thân chúng ta lười biếng, yếu kém, không có ý chí hay vì cái gì? Nền kinh tế chúng ta có nhiều cái nhất, như có nhà máy tôm lớn nhất thế giới; sản xuất cá tra đứng đầu thế giới; sản xuất cà phê, điều, gạo đứng hàng đầu… nhưng năng suất lao động của chúng ta trong các ngành nghề chủ yếu đó đang đứng ở đâu so với khu vực và so với đối thủ? Chúng ta thành công là nhờ thiên nhiên ưu đãi, nhờ nhân công giá rẻ hay nhờ công nghệ và năng suất vượt trội? Có thể chúng ta đứng đầu về sản lượng, nhưng về giá trị thì thấp hơn so với các quốc gia khác. Như vậy, liệu có phải chính những ngành nghề chủ chốt đó của chúng ta cũng là những ngành nghề có năng suất lao động, giá trị thặng dư tạo ra nằm ở mức thấp nhất trong các ngành nghề của nền kinh tế? Tôi đã băn khoăn, trăn trở về vấn đề này. Khi gặp các nhà quản lý, người lao động Singapore, Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ, họ đều cho rằng người Việt Nam làm việc rất cần cù, siêng năng. Nhưng khi đặt lên tổng thể năng suất của cả nền kinh tế thì lại thấp, một phần là do hạ tầng, công nghệ còn lạc hậu, do tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp còn cao, và quan trọng nhất là sản phẩm chúng ta tạo ra đa số ở dạng nguyên liệu thô hoặc hàng hóa giá trị thấp. Như thế, chúng ta cần phải làm gì? Đây có phải là câu chuyện của riêng người lao động hay không? Nếu cơ quan quản lý chưa thu hút được các ngành tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao, vẫn lấy lao động giá rẻ làm sức hút đầu tư, chưa đào tạo ra đủ nhân lực có chất lượng cao để vận hành các hệ thống công nghệ tiên tiến… Nếu nhà đầu tư không lựa chọn những dây chuyền sản xuất hiện đại, chưa ưu tiên sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh… Trong bối cảnh đó, người lao động có sự lựa chọn nào, có cách nào làm tăng giá trị, năng suất lao động của mình không? Rõ ràng, người lao động đang nằm ở cuối của chuỗi giá trị, họ chỉ có thể lựa chọn trong số những công việc có năng suất thấp thì việc nào mình nên làm. Tạo ra năng suất lao động cao hơn, hiệu quả hơn có thể nằm trong ý chí của họ nhưng họ không tự quyết định được chuyện này. Một nền kinh tế muốn bứt phá thì không thể không kể đến công sức kiến tạo của các nhà khởi nghiệp, các doanh nghiệp đầu tàu trong việc nghiên cứu, tìm tòi, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới, cải tiến dây chuyền, công nghệ sản xuất, cạnh tranh lành mạnh để thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế và đất nước. Vậy, nói cho cùng, năng suất lao động là bài toán chung của xã hội, đòi hỏi những nhà làm chính sách và nhà đầu tư phải có định hướng và tiếng nói quyết định trong việc cải tạo năng suất chung, chứ không phải đó là chuyện của riêng người lao động. Nhà nước nên thu hút đầu tư những ngành nghề có chất lượng cao, doanh nghiệp phải đưa công nghệ tiên tiến vào áp dụng trong sản xuất kinh doanh, cơ quan quản lý nên ưu đãi những doanh nghiệp tạo ra sản phẩm giá trị cao và góp phần cải thiện năng suất lao động.

Nguồn: thesaigontimes.vn

Tin mới