Phần 1 đã giới thiệu 7 chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI) phổ biến trong sản xuất. Trong phần 2, chúng tôi tiếp tục giới thiệu về quản lý trực quan, cách quản lý trực quan thúc đẩy tăng năng suất thông qua sử dụng 7 KPI phổ biến để theo dõi dây chuyền sản xuất.
Quản lý trực quan là gì?
Quản lý trực quan là quá trình hiển thị thông tin quan trọng (như chỉ số KPI liên quan đến sản lượng, hiệu quả và chất lượng sản xuất). Bằng cách hiển thị dữ liệu này trên sàn nhà máy, nhân viên có ý thức hơn về tình trạng sản xuất và có xu hướng phấn đấu để đạt hiệu suất cao hơn. Quản lý trực quan cũng cung cấp thông tin cho phép người giám sát theo dõi hiệu suất tốt hơn và xác định các khu vực cần phải cải tiến. Kết quả tổng thể giúp điều chỉnh năng suất toàn bộ tổ chức bằng cách tăng hiệu quả, chất lượng và thời gian hoạt động.
Thực hiện quản lý trực quan
Để minh họa cách thực hiện quản lý trực quan, hãy xem xét một ví dụ thực tế xem cách một công ty đóng gói sử dụng KPI nhằm điều chỉnh năng suất như thế nào.
Công ty này sử dụng người lao động làm việc theo nhóm để tập hợp các món đồ cần đóng gói. Việc tạo ra lợi nhuận từ một công việc nhất định phụ thuộc nhiều vào khả năng của nhóm trong việc thiết lập dây chuyền sản xuất trong khoảng thời gian ngắn nhất, cũng như việc có thể để duy trì nhịp độ sản xuất cho mỗi sản phẩm.
Để thực hiện có hiệu quả, thông tin về thời gian thực là cần thiết để biết được những yêu cầu trong quá trình làm việc có được đáp ứng hay không. Công ty đóng gói cài đặt màn hình LED lớn tại mỗi dây chuyền để hiển thị tốc độ băng tải cũng như thời gian trôi qua trong giai đoạn thay đổi thiết bị (thay đổi hệ thống làm việc). Bằng cách thực hiện quản lý trực quan, giám sát viên có thể có hành động ngay lập tức khi việc thay đổi thiết bị mất quá nhiều thời gian hoặc người lao động không đáp ứng tốc độ đóng gói được yêu cầu. Cách này cho phép tổ chức tăng đáng kể lợi nhuận và thúc đẩy năng suất với thời gian hoàn thành nhanh hơn 10-15%.
Thúc đẩy tăng năng suất
Quản lý năng suất và lợi nhuận là một vai trò quan trọng của người quản lý và kỹ sư trong nhà máy. Mức độ tăng năng suất và lợi nhuận mà một tổ chức muốn đạt được phụ thuộc khá nhiều vào các công ty và các quy trình hiện có của nó.
Hãy xem xét bất kỳ dây chuyền hoặc máy móc cụ thể trong một cơ sở sản xuất, và ước tính ảnh hưởng về tài chính nếu sản lượng có thể tăng thêm 1, 5, 10 hoặc thậm chí 20%. Bây giờ xem xét những tác động về tài chính nếu thời gian chết có thể được giảm khoảng 15%. Ngay cả những cải tiến nhỏ nhất cũng có thể đem lại kết quả hấp dẫn. Các nhà máy có các chỉ số KPI mục tiêu nên dành thời gian đánh giá các con số và xem xét cách thức mà quản lý trực quan có thể thúc đẩy năng suất trong tổ chức.
Do nhiều hệ thống quản lý trực quan có chi phí thấp, có rất ít rủi ro liên quan đến lãi tiềm năng trong cải tiến quá trình và lợi nhuận. Khi đánh giá tiềm năng tiết kiệm, điều quan trọng là phải bao gồm tất cả chi phí có thể phát sinh khi hoạt động sản xuất có thời gian chết. Ví dụ, có lao động và chi phí các tiện ích, nhưng còn phế liệu thì sao? Nhiều quá trình yêu cầu máy móc chạy liên tục từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, vì vậy bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có nghĩa là tạo ra sản phẩm phế liệu. Giám sát chỉ số KPI sẽ giúp theo dõi quá trình đó.
Văn phòng NSCL biên dịch
Nguồn: www.redlion.net