Năng suất lao động của Việt Nam đang thấp hơn so với các nước trong khu vực. Trong khi đó có nhiều yếu tố quyết định đến tăng năng suất lao động của Việt Nam.
Đó cũng là nội dung được ông Kuroda Kazuteru, chuyên gia về năng suất lao động đến từ Trung tâm Năng suất Nhật Bản trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. – Ông vừa cùng với Viện Năng suất Việt Nam có cuộc khảo sát sơ bộ về năng suất lao động và môi trường làm việc tại một số doanh nghiệp của Việt Nam. Vậy ông đánh giá như thế nào về năng suất lao động của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp ông đã khảo sát?
Ông Kuroda Kazuteru: Ở bình diện quốc gia, năng suất lao động của Việt Nam chỉ nhỉnh hơn Lào, Campuchia, kém các nước như Thái Lan, Indonesia và kém hơn 10 lần so với Nhật Bản và Singapore.
Đối với các doanh nghiệp chúng tôi đã khảo sát, nhìn chung, năng suất lao động vẫn còn thấp.
Qua khảo sát, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào từng cá nhân trong một doanh nghiệp mà không có cái nhìn trên bình diện toàn hệ thống.
Tôi nghĩ mỗi cá nhân trong một doanh nghiệp đều có những điểm mạnh riêng thế nhưng những doanh nghiệp khảo sát chỉ lựa chọn một vài người xuất sắc nhất và dựa hoàn toàn vào họ mà không xây dựng một hệ thống vững mạnh. – Hiện nay ở Việt Nam, Tổ chức công đoàn đại diện cho doanh nghiệp thì muốn tăng lương tối thiểu, trong khi đại diện giới chủ, doanh nghiệp thì cho rằng năng suất lao động còn thấp và chưa cần thiết phải tăng lương lên. Ông có đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Ông Kuroda Kazuteru: Năng suất lao động và tiền lương có mối quan hệ tương hỗ với nhau, tăng thì cùng tăng, giảm thì cùng giảm.
Nếu năng suất lao động giảm mà tiền lương tăng thì thiệt cho giới chủ còn nếu tiền lương giảm mà năng suất lao động tăng thì thiệt hại cho người lao động. Điều đó có nghĩa là cần phải tăng cả năng suất lao động và tiền lương.
Vấn đề là cần có tiếng nói chung giữa hai bên để xác định đâu là mức lương hợp lý với mức năng suất lao động như vậy. Điều hòa được vấn đề này sẽ giúp thị trường lao động hiệu quả hơn và có lợi cho nền kinh tế.
– Các yếu tố nào quyết định đến việc tăng năng suất lao động và môi trường làm việc, thưa ông?
Ông Kuroda Kazuteru: Có 5 yếu tố quyết định đến việc tăng năng suất lao động của Việt Nam.
Thứ nhất là do yếu tố cá nhân của người lao động. Đây là yếu tố chính thể hiện sự hài lòng của nhân viên. Khi cá nhân đạt được thành tựu và kết quả nhất định thì họ sẽ có cảm giác hài lòng và muốn cam kết gắn bó với doanh nghiệp.
Thứ hai, sự công nhận của mọi người về năng lực và trình độ của lao động. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp khác trong đơn vị.
Đây cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới việc liệu người lao động đó có ý định chuyển sang đơn vị khác làm hay không.
Thứ ba, niềm tin vào doanh nghiệp và định hướng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có chiến lược định hướng rõ ràng sẽ làm tăng niềm tin của người lao động.
Thứ tư, là vấn đề tiền lương. Rõ ràng tiền lương không phải là yếu tố quan trọng nhất nhưng doanh nghiệp nào có lương cao, chế độ đãi ngộ tốt sẽ là một lợi thế để giữ chân nhân viên và nhân viên sẽ cống hiến nhiều hơn.
Thứ năm là vai trò của lãnh đạo, sự giám sát và theo dõi của lãnh đạo.
Đây là yếu tố rất quan trọng nhất nhưng cũng là thách thức nhất với lao động của Việt Nam.
Trong bất cứ đơn vị hay doanh nghiệp nào, yếu tố lãnh đạo rất quan trọng, ngoài vấn đề tổ chức, điều hành, đưa ra quyết định, lãnh đạo còn giúp kết nối các nhân viên với nhau, đưa ra các đãi ngộ với nhân viên…
Làm tốt cả 5 yếu tố trên sẽ cải thiện môi trường làm việc, nâng cao năng suất lao động.
– Ông đánh giá như thế nào về vai trò đổi mới công nghệ đối với năng suất lao động? Ông Kuroda Kazuteru: Đổi mới công nghệ có vai trò quan trọng trong tăng năng suất lao động. Công nghệ mới hơn, tốt hơn sẽ mang lại hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đổi mới công nghệ không phải là tất cả.
Yếu tố con người vô cùng quan trọng bởi nếu máy móc hiện đại mà chất lượng lao động, trình độ lao động không tiếp quản hay vận hành được thì hiệu quả công việc cũng không cao.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, nếu hai doanh nghiệp có công nghệ như nhau nhưng một doanh nghiệp tạo ra một môi trường làm việc thỏa mãn người lao động thì sản phẩm của họ sẽ tạo ra sự khác biệt hơn so với doanh nghiệp còn lại. – Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với các hiệp định thương mại chất lượng cao như TPP, FTA Việt Nam-EU…; trong đó có những cam kết liên quan đến lao động… Tuy nhiên, với mức năng suất lao động như hiện nay, theo ông Việt Nam liệu có được hưởng lợi?
Ông Kuroda Kazuteru: Việt Nam đang tích cực tham gia và các hiệp định quốc tế trong đó có các cam kết về vấn đề lao động.
Tôi nghĩ Việt Nam sẽ có lợi thế nhiều với lực lượng lao động dồi dào và mức tăng năng suất lao động vẫn còn rất lớn.
Nếu Việt Nam nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, tạo môi trường làm việc thân thiện sẽ tận dụng tốt hơn các cơ hội đến từ hội nhập.
– Xin cảm ơn ông!