Sản xuất kĩ thuật số là hoạt động ứng dụng công nghệ kĩ thuật số để cải thiện hiệu quả sản xuất, bao gồm việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động cung ứng liên quan. Hiện nay, nhiều quốc gia đang theo đuổi chiến lược sản xuất kỹ thuật số, tiêu biểu như cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 ở Đức, phong trào “Made in China 2025” ở Trung Quốc cho đến “Sản xuất thông minh” của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ.
Trong bài viết này, tác giả sẽ nêu ra 5 tổ chức điển hình đã áp dụng sản xuất kĩ thuật số và gặt hái được thành công nhờ nó.
1) Speedfactory của Adidas
Speedfactory đã sử dụng công nghệ kỹ thuật số để cắt giảm đáng kể thời gian thiết kế giầy cho vận động viên. Bằng cách vận dụng công nghệ này, công ty có thể kiểm tra các thông số kĩ thuật, mô phỏng toàn bộ tính năng của sản phẩm đồng thời dự báo sớm các sai lỗi có thể xảy ra trước công đoạn sản xuất vật lý.
Các máy móc tự động của nhà máy – ví dụ như máy in 3D – phụ trách hầu hết các quy trình sản xuất tại Speedfactory. Hệ thống này đảm bảo dây chuyền sản xuất có thể nhanh chóng chuyển đổi sang các mô hình thiết kế khác nhau.
2) Bosch và Internet vạn vật
Bằng cách nhúng các cảm biến vào toàn bộ hệ thống máy móc và phân tích dữ liệu có được từ chúng trong thời gian thực, các kỹ sư của Bosch có thể dự đoán những sai lỗi có thể xảy ra. Điều này cho phép họ cắt giảm thời gian dừng máy ngoài kế hoạch thông qua việc thực hiện bảo dưỡng phòng ngừa. Bosch báo cáo rằng phương pháp này đã giúp công ty tăng 10% sản lượng tại một số khu vực, đồng thời rút ngắn thời gian giao hàng và nâng cao uy tín với khách hàng.
Trong bốn năm qua, Công ty kỹ thuật và công nghệ Bosch đã kiếm được hơn 1,5 tỷ euro nhờ các ứng dụng Công nghiệp 4.0. Đến năm 2022, Bosch muốn nâng con số này lên 1 tỷ euro mỗi năm.
3) Thép Tata và phân tích kĩ thuật số
Kĩ thuật phân tích kĩ thuật số của tập đoàn Thép Tata được sử dụng để tối ưu hóa sản lượng bằng cách xử lý nguyên liệu thô triệt để hơn, cải thiện tính liên kết giữa các quy trình sản xuất khác nhau và nâng cao chất lượng tổng thể của sản phẩm. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng thành lập một trung tâm Phân tích Tăng cường cho nhân viên của mình với mục đích tìm ra các giải pháp giảm thiểu chất thải, sản xuất hiệu quả hơn và chiếm được lòng tin của khách hàng.
4) General Electric và công nghệ thực tế tăng cường
Thực tế tăng cường (AR) là một công nghệ mới được General Electric áp dụng để đào tạo các nhân viên của mình trong môi trường chân thực nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhà máy. Tai nghe AR cho phép công nhân truy cập vào mạng lưới dữ liệu trực quan và có thể ngay lập tức tra cứu những thông tin như hiệu suất làm việc của máy móc, tài liệu hướng dẫn lắp ráp sản phẩm và phát hiện các thiết bị có khả năng bị hỏng hóc.
Công ty sản xuất thiết bị hàng không General Electric gần đây đã thử nghiệm sử dụng kính AR để giúp các kĩ sư sản xuất động cơ phản lực. Thông qua các thông số kĩ thuật được phản hồi ngay lập tức, các kĩ sư có thể kiểm tra xem các khớp nối và đinh vít đã được siết chặt đúng cách hay chưa. Theo báo cáo, hiệu quả cơ học của quy trình sản xuất tăng từ 8 đến 11% nhờ ứng dụng này. Mặt khác, kính AR cũng trở thành một công cụ kiểm soát chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn hữu hiệu.
5) Tesla và tự động hóa thông minh
Với tự động hóa thông minh, bạn có thể trông đợi được thấy một dây chuyền sản xuất hoàn toàn bằng robot, và đó là chính xác những gì bạn sẽ thấy ở nhà máy Tesla tại Freemont, California. Với diện tích lên tới 5,4 triệu feet vuông cùng hơn 200 robot các loại, Tesla đảm bảo các quy trình như hàn, lắp ráp và sơn thành phẩm được thực hiện nối tiếp một cách trơn tru dù không có sự can thiệp của con người.
Mặc dù sản xuất kỹ thuật số có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng của chúng vẫn là nâng cao năng suất, giảm chi phí và giảm tỉ lệ sai lỗi. Các ứng dụng của sản xuất kỹ thuật số trong tương lai sẽ trở thành xu hướng tất yếu của các nhà sản xuất khi mà công nghệ kỹ thuật số đang dần chứng minh được vai trò của mình trên mọi lĩnh vực sản xuất công nghiệp.