45 công ty Việt Nam tham gia Chương trình thí điểm Nhà cung cấp Việt Nam cho các công ty đa quốc gia

Ngày 24/5/2018, tại Hà Nội, Cục Công nghiệp Việt Nam – Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới khởi động “Chương trình Phát triển Nhà cung cấp Việt Nam” nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia, đồng thời cho phép các nhà cung cấp hiện tại mở rộng hoạt động kinh doanh và nâng cao giá trị gia tăng.

Bối cảnh ra đời Chương trình thí điểm Nhà cung cấp Việt Nam

Thực tế hiện nay, các công ty đa quốc gia đã và đang triển khai nhiều dự án đầu tư lớn tại Việt Nam, mang lại cơ hội mở rộng nguồn cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, một trong các trở ngại đối với các công ty đa quốc gia là còn thiếu những nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng được các chuẩn mực toàn cầu cần thiết. Ví dụ: Công ty Honda chiếm khoảng 60% sản lượng xe máy tại thị trường Việt Nam, với 100 doanh nghiệp công nghiệp trong chuỗi cung ứng phụ trợ nhưng chỉ có 23 là doanh nghiệp Việt Nam. Một ví dụ khác là trong chuỗi cung ứng của Samsung, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam là nhà nhà cung cấp cấp I của Samsung là 29, nhà cung cấp cấp 2,3 là khoảng 200.

Chương trình thí điểm Nhà cung cấp Việt Nam do IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, phối hợp với Cục Công nghiệp Việt Nam – Bộ Công Thương khởi động. Chương trình được xây dựng từ báo cáo của Ngân hàng thế giới – Việt Nam: tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp vừa và nhỏ – Bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế”

Nguồn: WB.

Mục tiêu của Chương trình

 “Chương trình phát triển nhà cung cấp Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước dịch chuyển lên các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị, để có thể sản xuất được các sản phẩm phức tạp hơn và cạnh tranh tốt hơn trong chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu” theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải.

Các kết quả mong đợi của Chương trình thí điểm

Trong hai năm tới, chương trình sẽ phối hợp với 8 công ty đa quốc gia (MNE) trong các ngành ô tô, điện tử, năng lượng và hàng gia dụng, bao gồm: Bosch, Canon, Datalogic, Denso, Ford, General Electric, Panasonic và Toyota. Các MNE được mời tham gia đều thể hiện mối quan tâm của họ về phát triển nguồn cung trong nước và khả năng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh. 45 doanh nghiệp trong nước đã được lựa chọn tham gia chương trình theo giới thiệu của các MNE và các tổ chức, hiệp hội ngành nghề.

“Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với các nhà cung cấp trong nước có khả năng cạnh tranh với những nhà cung cấp đến từ các quốc gia khác. Chúng tôi hy vọng chương trình này sẽ giúp chúng tôi phát triển quan hệ hợp tác kinh doanh lâu dài với các đối tác tiềm năng và cải thiện nguồn cung ứng trong nước”, ông Yamamoto Masahiro, Giám đốc Kế hoạch Chiến lược, Panasonic Việt Nam chia sẻ.

Các bước triển khai của chương trình

Bước 1: Chọn 50 công ty Việt Nam tham gia Chương trình. Chương trình sẽ tiến hành đánh giá hoạt động kinh doanh và khả năng cạnh tranh của các nhà cung cấp tham gia chương trình. Đánh giá này sẽ xem xét tổng thể hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhằm xác định các lĩnh vực cần cải thiện và hành động cụ thể cần triển khai để xây dựng năng lực cung ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Sau đó loại ra 5 doanh nghiệp, còn 45 doanh nghiệp trong nước đã được lựa chọn tham gia chương trình theo sự giới thiệu của các công ty đa quốc gia và các tổ chức hiệp hội ngành nghề. Vào cuối tháng 5/2018, các doanh nghiệp này sẽ được đánh giá hoạt động kinh doanh và năng lực cạnh tranh lần 1.

Bước 2: Sáu tháng tiếp theo sẽ được xem là giai đoạn lấy đà cho các doanh nghiệp để tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, gặp gỡ người mua cũng như kết nối kinh doanh. Để có thể cạnh tranh và nhận hỗ trợ, các doanh nghiệp phải có chiến lược cạnh tranh và hệ thống quản lý rõ ràng; có quy trình giới thiệu và quản lý sản phẩm; quản lý chuỗi cung ứng dựa trên yếu tố công nghệ.

Bước 3: Vào đầu năm 2019, các doanh nghiệp này sẽ trải qua quá trình đánh giá hoạt động kinh doanh lần thứ hai; đây là cơ sở để chọn ra 25 doanh nghiệp nhận được hỗ trợ dài hạn hơn với các cố vấn riêng tùy thuộc vào đặc thù mỗi doanh nghiệp. Các nhóm cố vấn còn đóng vai trò quan trọng là kết nối các nhà cung ứng trong nước với các doanh nghiệp FDI có nhu cầu.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới