Kaizen là một thuật ngữ tiếng Nhật có nghĩa là “cải tiến” hoặc “thay đổi để trở nên tốt hơn”, được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như chế tạo, sản xuất, kỹ thuật, quản lý và hỗ trợ các quá trình vận hành trong doanh nghiệp. Chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều từ Kaizen qua những ví dụ từ các doanh nghiệp thành công dưới đây.
TOYOTA
Toyota Motor là một tập đoàn sản xuất ô tô Nhật Bản thành lập vào năm 1937 và ngày nay được coi là công ty lớn thứ 13 trên thế giới về doanh thu. Kaizen đã luôn đồng hành và ăn sâu vào nguyên tắc hoạt động của Toyota.
Kaizen là một phần thiết yếu của Toyota và hệ thống sản xuất của họ. Theo Kaizen, không có quá trình nào là hoàn hảo, vì vậy nên lúc nào cũng có những thứ cần được cải tiến. Tất cả mọi thành viên trong công ty đều luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc tìm kiếm những phương thức nâng cao hiệu suất làm việc. Những nguyên tắc của Kaizen cho mọi người thấy rằng cần tập trung vào những gì nên làm hơn là những gì có thể làm. Toyota khuyến khích các nhân viên cần tích cực phát hiện ra những quy trình hoạt động thiếu hiệu quả, từ đó nghĩ cách để cải thiện chúng. Phương pháp PDCA giúp hỗ trợ các nhà quản lý ra quyết định nhanh chóng trong rất nhiều khía cạnh.
LOCKHEED MARTIN
Lockheed Martin là một công ty Hoa Kỳ chuyên về công nghệ tiên tiến, hàng không vũ trụ, quốc phòng, an ninh, hoạt động với quy mô toàn cầu. Công ty này rất tích cực ủng hộ Kaizen. Thông thường thì không ai áp dụng nguyên tắc tinh gọn vào việc sản xuất máy bay quân sự. Tuy nhiên, vào năm 1998, Lockheed Martin được tạp chí Industry Week xếp vào “Top 10 Nhà máy sản xuất”. Từ năm 1992 tới 1997, công ty này đã đạt được rất nhiều cải tiến đáng kể, đó là chi phí sản xuất giảm 38%, hàng tồn kho giảm 50%, tỷ lệ khiếm khuyết chỉ còn bằng 3,4/một máy bay, thời gian vận chuyển giảm từ 42 tháng xuống còn 21,5 tháng. Nhờ việc áp dụng Kaizen, vào năm 2000, công ty đã được trao tặng giải thưởng Shingo về Hoạt động xuất sắc trong Sản xuất. Trong giai đoạn này, một dự án Kaizen về lĩnh vực quản lý nguyên vật liệu đã giúp công ty cắt giảm thời gian vận chuyển nguyên liệu vào kho từ 30 ngày xuống còn 4 giờ.
NESTLE.
Nestlé S.A. là một công ty đa quốc gia chuyên về thực phẩm và đồ uống của Thụy Sỹ. Đây là công ty thực phẩm lớn nhất thế giới tính về doanh thu, và được xếp hạng thứ 72 trong danh sách Fortune Global 500 vào năm 2014. Sản phẩm của công ty bao gồm thức ăn trẻ em, thực phẩm y tế, nước đóng chai, ngũ cốc, cà phê, trà, bánh kẹo, các sản phẩm từ sữa, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm vật nuôi và đồ ăn nhẹ. Giảm thiểu lãng phí là một nhiệm vụ thường xuyên và liên tục của Nestle trong mọi hoạt động, trong đó vai trò của sản xuất tinh gọn và Kaizen ngày càng trở nên quan trọng. Tại Nestle, Kaizen đảm bảo rằng cải tiến liên tục là nghĩa vụ và trách nhiệm của tất cả mọi người. Theo Kaizen, kể cả những sự cải tiến nhỏ nhất cũng cần được thực hiện bởi vì sau này chúng có thể tạo nên một hiệu quả lớn. Ví dụ: Để tìm xem nhà máy hiện tại có thể cải thiện được ở đâu, Nestlé Waters đã sử dụng nhiều kỹ thuật, chẳng hạn như Sơ đồ Chuỗi giá trị (VSM) – một kỹ thuật cho thấy những luồng nguyên liệu và dòng thông tin cần thiết đối với việc đưa sản phẩm hoàn thiện tới tay người tiêu dùng. Một quy trình như vậy giúp đảm bảo quá trình vận hành của họ trở nên ngày càng hiệu quả.
Văn phòng NSCL biên dịch
Nguồn: davidkigerinfo.wordpress.com