3 điểm yếu của doanh nghiệp Việt trong con mắt chuyên gia Nhật Bản

Là trưởng nhóm tư vấn của Trung tâm Năng suất Nhật Bản (JPC), ông Kazuteru Kuroda đã có kinh nghiệm tham gia thực hiện dự án tại 40 quốc gia trên thế giới. Tham gia và trực tiếp tư vấn, đào tạo chuyên gia trong Dự án Cải tiến để phát triển bền vững (WISE) tại Việt Nam, ông đã có nhiều chia sẻ thú vị về các doanh nghiệp Việt Nam cũng như cách để doanh nghiệp có thể cải thiện môi trường làm việc và nâng cao mức độ hài lòng của người lao động. Tại sao phải nâng cao mức độ hài lòng? Chia sẻ với báo giới bên lề một cuộc hội thảo về cải thiện môi trường làm việc và nâng cao mức độ hài lòng của người lao động hồi tháng 4/2017, ông Kazuteru Kuroda cho rằng, chỉ có con người mới làm doanh nghiệp phát triển một cách bền vững. Nếu một doanh nghiệp nghĩ rằng, mình có thể đầu tư trang thiết bị hiện đại để tập trung vào phát triển thì các doanh nghiệp khác cũng sẵn sàng có khả năng để đầu tư và cạnh tranh quyết liệt. Vì vậy, yếu tố quan trọng để quyết định sự thành công của doanh nghiệp chính là con người. Người lao động có hài lòng họ mới nỗ lực vì công việc, nỗ lực cải tiến để mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho doanh nghiệp, trong đó có lợi ích của chính họ. Đó chính là lý do vì sao doanh nghiệp phải cải thiện môi trường làm việc và nâng cao mức độ hài lòng của người lao động. Nhưng nếu muốn người lao động hăng say, gắn bó với doanh nghiệp thì họ cần được công khai, minh bạch thông tin, đặc biệt là về lương thưởng. Nếu người lao động không hiểu hõ kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp thì họ không thể hỗ trợ doanh nghiệp khi đột nhiên có rất nhiều đơn hàng khiến họ cảm thấy bị áp lực do phải làm việc quá tải. Do vậy, theo ông Kuroda, yếu tố thành công và then chốt là công bố thông tin minh bạch với người lao động để họ nhận thức được rõ ràng hơn về tổ chức của mình. Một điều thú vị mà ông Kuroda nhận thấy sau khi khảo sát tại một số doanh nghiệp Việt Nam thì mức độ hài lòng của người lao động Việt Nam cao hơn so với người lao động tại Singapore, Nhật và Mỹ. Mặc dù, thu nhập của người lao động Việt Nam còn ở mức khiêm tốn. Nhận diện thành công và hạn chế Cũng theo chia sẻ của ông Kazuteru Kuroda thì có 3 yếu tố quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp. Một là, quan tâm tới người lao động, phải đánh giá được sự hài lòng của người lao động đối với doanh nghiệp; Hai là, công bố thông tin rõ ràng minh bạch để người lao động có thể hiểu rõ hơn về doanh nghiệp của mình; Ba là, làm việc theo nhóm, tăng cường tính đoàn kết và sức mạnh tập thể. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng đang phải đối mặt với 3 điểm yếu là thiếu vốn, công nghệ lạc hậu và người lao động thiếu nhiều kỹ năng cần thiết. Từ quá trình làm việc với Việt Nam, ông Kuroda nhận thấy, Việt Nam đang có hai thế hệ người lao động cùng tồn tại trong các doanh nghiệp. Một thế hệ già hơn chỉ làm tại doanh nghiệp, không có khả năng nói tiếng Anh, không có nhiều kỹ năng trong công việc. Một thế hệ khác trẻ trung, năng động, biết tiếng Anh, biết giao tiếp, có nhiều kỹ năng, đây chính là nguồn nhân lực quan trọng quyết định thành công của quốc gia sau này. Nếu một doanh nghiệp toàn người già sẽ không thể tạo ra các công việc mới, vì người lao động đối mặt với những thói quen cũ, cách làm cũ, nên khó có sự sáng tạo. Tuy nhiên, với doanh nghiệp có nhiều người trẻ thực sự nhiệt huyết, nhiều sáng tạo, nghĩ ra nhiều việc mới thì sẽ phát triển. Vì vậy, một doanh nghiệp có nhiều người già cần tuyển dụng thêm đội ngũ trẻ là một trong những hướng đi mới giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn nữa nhờ sự kết hợp giữa kinh nghiệm và sự nhạy bén, sáng tạo. Do đó, ông Kuroda đưa ra lời khuyên, doanh nghiệp Việt cần tập trung vào người lao động, tạo kỹ năng, cung cấp kiến thức để họ sẵn sàng tạo ra sự thay đổi và từ đó chính họ tạo ra cơ chế mới cũng như hệ thống mới cho doanh nghiệp. Và mặt khác, Chính phủ cũng nên quan tâm đầu tư cho thế hệ trẻ để đem lại nhiều lợi ích cho đất nước trong giai đoạn hội nhập. Vai trò của người đứng đầu Nhận định về vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp, ông Kuroda cho rằng, cách quản lý của người đứng đầu rất quan trọng. Ông đưa ra ví dụ về một doanh nghiệp mà ông rất ấn tượng, đó là hệ thống chính sách quản lý của Công ty TNHH Dinh dưỡng Nutricare. Đây là một doanh nghiệp gồm rất nhiều người trẻ, có một hệ thống quản trị mới và có nhiều chính sách mới, trong đó đặc biệt quan tâm đến những quản lý bậc trung. Điều khác biệt nhất là trong các cuộc họp tại Nutricare, thay vì màn độc thoại của Giám đốc như đa số các doanh nghiệp Việt, thì các thành viên cuộc họp cùng đưa ra ý kiến đóng góp để phát triển tổ chức. Càng nhiều thông tin, càng nhiều ý kiến thì tất nhiên quyết định đưa ra cũng sáng suốt hơn, hiệu quả hơn. Việc lãnh đạo biết lắng nghe và chia sẻ tác động rất lớn đến mức độ hài lòng của nhân viên. Bằng chứng là chỉ sau 6 tháng tham gia Dự án WISE, sự thỏa mãn của người lao động tại Nutricare đã nâng từ 83,3% lên 92,4% – một con số rất ấn tượng và trong đó, vai trò của Tổng giám đốc Nguyễn Đức Minh là rất quan trọng khi biết truyền nhiệt huyết, cũng như khích lệ tinh thần, vật chất kịp thời cho nhân viên của mình. Hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực Việc năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn năng suất của Nhật hay các quốc gia phát triển khác nhiều lần là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, theo ông Kuroda, nếu Việt Nam tự tin để cải tiến và đưa cho người lao động động lực và sự tự tin thì doanh nghiệp Việt Nam có thể thay đổi. Điều đặc biệt là cần chú trọng tập trung hơn vào đối tượng trẻ là người nhiệt huyết và tài năng. Trong thời gian tới, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam liên quan đến đội ngũ tư vấn tại doanh nghiệp. Chính phủ Nhật cũng dành 10% trong quỹ của các doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản đóng góp để hỗ trợ các hoạt động công nghiệp tại Việt Nam, tạo ra mối liên kết công nghiệp Việt – Nhật, qua đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi được kiến thức, công nghệ từ các doanh nghiệp Nhật, đào tạo được đội ngũ tư vấn trẻ để tiếp tục triển khai các dự án Việt – Nhật trong tương lai.

Nguồn: tapchicongthuong.vn

Tin mới