Nếu bạn là một nhà quản lý hoặc lãnh đạo, chắc hẳn bạn đã từng nghe nói về Chỉ số đánh giá hoạt động chính (KPI). KPI là một phương pháp đo lường hiệu suất giúp cho bạn hiểu được tổ chức hoặc bộ phận của mình đang hoạt động như thế nào.
Một hệ thống KPI tốt có vai trò như kim chỉ nam, giúp bạn và nhóm hoạt động của bạn biết được mình có đang làm đúng cách, đi đúng hướng để đạt được mục tiêu chiến lược hay không.
Vấn đề là, có hàng nghìn những chỉ số KPI và có thể bạn sẽ không biết nên chọn cái nào. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là nghiên cứu và tìm hiểu những chỉ số KPI quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất. Nhờ đó, bạn sẽ hiểu rõ hơn chỉ số nào là cần thiết hay không cần thiết đối với tổ chức của mình.
Các chỉ số về tài chính
- Lợi nhuận: Điều này là quá hiển nhiên không cần phải nói, nhưng bạn vẫn cần phải chú ý, vì đây là một trong những chỉ số hiệu suất quan trọng nhất.
- Chi phí: Hãy đo lường hiệu quả chi phí và tìm ra cách tốt nhất để giảm thiểu và quản lý chi phí của bạn.
- Doanh thu ngành so với mục tiêu: Đây là một sự so sánh giữa doanh thu thực tế và doanh thu dự kiến. Việc lập biểu đồ và phân tích sự khác nhau giữa hai con số này sẽ giúp bạn xác định bộ phận của bạn đang hoạt động như thế nào.
- Giá vốn hàng bán: Bằng cách kiểm đếm tất cả chi phí sản xuất của các sản phẩm mà công ty bạn đang bán, bạn sẽ biết rõ hơn về tỷ suất lợi nhuận thực tế của mình.
- Số ngày thu nợ trung bình (DSO): Tính bằng cách lấy số tiền phải thu khách hàng chia cho tổng doanh thu trả chậm, sau đó lấy kết quả nhân với số ngày trong khoảng thời gian bạn đang xem xét.
- Doanh số theo vùng: Thông qua phân tích những khu vực nào hoàn thành mục tiêu bán hàng, bạn có thể cung cấp các kinh nghiệm đó cho những khu vực chưa đạt mục tiêu.
- Chi phí ngành so với ngân sách: So sánh chi phí thực tế với ngân sách dự kiến của bạn.
Các chỉ số về khách hàng
- Giá trị khách hàng lâu dài (CLV): Giảm chi phí không phải là cách duy nhất (hoặc tốt nhất) để thu hút khách hàng. CLV giúp bạn nhìn vào giá trị mà tổ chức của bạn thu được từ một mối quan hệ khách hàng lâu dài.
- Chi phí bỏ ra để có thêm một khách hàng mới (CAC): Tính bằng cách chia tổng chi phí bỏ ra để có thêm khách hàng mới cho tổng số lượng khách hàng mới (trong khoảng thời gian bạn đang xem xét).
- Sự hài lòng của khách hàng và khả năng duy trì khách hàng: Điều này rất dễ hiểu – hãy làm cho khách hàng vừa lòng và họ sẽ tiếp tục là khách hàng của bạn.
- Sự trung thành của khách hàng (NPS): Để xác định NPS, hãy gửi các phiếu khảo sát hàng quý cho các khách hàng để xem họ có giới thiệu tổ chức của bạn với những người mà họ biết hay không, và khả năng đó có lớn không.
- Số lượng khách hàng: Bằng cách xác định số lượng khách hàng bạn đã thu được và mất đi, bạn sẽ biết được liệu mình có đáp ứng tốt các nhu cầu của khách hàng hay không.
Các chỉ số về hoạt động
- Thẻ hỗ trợ khách hàng: Phân tích số lượng thẻ mới, số lượng những thẻ đã được giải quyết và thời gian giải quyết.
- Tỷ lệ sản phẩm lỗi: Lấy số lượng sản phẩm lỗi chia cho tổng số sản phẩm sản xuất ra trong khoảng thời gian bạn đang xem xét. Hiển nhiên, con số này càng thấp càng tốt.
- Hiệu suất ngành: Hiệu suất có thể được đo lường theo nhiều cách khác nhau trong mọi ngành công nghiệp. Ví dụ, bạn có thể đo lường hiệu suất của doanh nghiệp mình bằng cách phân tích xem mỗi giờ bạn sản xuất ra bao nhiêu đơn vị sản phẩm.
Các chỉ số về nhân sự
- Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc: Tính bằng cách lấy số lượng nhân viên đã rời công ty chia cho số lượng nhân viên bình quân.
- Tỷ lệ ứng cử cho các vị trí nhân sự còn trống: Nếu tỷ lệ các ứng viên (đủ tiêu chuẩn) xin ứng tuyển cho các vị trí trống của công ty bạn cao, có nghĩa là bạn đang làm khá tốt trong việc thu hút những người tìm việc phù hợp.
- Sự hài lòng của nhân viên: Các nhân viên sẽ làm việc tốt hơn khi họ có tâm trạng tốt. Việc đo lường sự hài lòng của nhân viên thông qua các cuộc điều tra khảo sát là rất quan trọng đối với tổ chức của bạn.
Văn phòng NSCL biên dịch
Nguồn: www.linkedin.com