Nhiều mục tiêu, phương pháp tiếp cận mới trong giai đoạn 2021-2030
Tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 4/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia và Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 3/9/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục giao Bộ Công Thương xây dựng Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030.
Giai đoạn 2021-2030, Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa hướng tới nhiều mục tiêu mới. Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm của toàn ngành công nghiệp phấn đấu đạt mức 7,5%, trong đó tốc độ tăng năng suất của các ngành công nghiệp ưu tiên cao hơn 12%…
Cùng với đó, phấn đấu 100 mô hình điểm về đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên; 1.000 mô hình điểm về áp dụng các công cụ cải tiến và hệ thống quản lý tiên tiến.
Ngoài ra, giai đoạn 2021-2030, Chương trình hướng tới mục tiêu hình thành các trung tâm đổi mới, phát triển sản phẩm công nghiệp; đầu tư nâng cấp 20 phòng thử nghiệm, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm và đơn vị nghiên cứu, tư vấn chuyển giao công nghệ và phát triển sản phẩm; hình thành các công cụ số hóa hỗ trợ tư vấn và triển khai hoạt động cải tiến năng suất và quản lý chất lượng tại doanh nghiệp.
Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) bảo đảm quản lý 100% sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; biên soạn, đảm bảo hài hòa khu vực và quốc tế 500 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) phục vụ công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp.
Cùng với đó, đào tạo được 500 giảng viên, chuyên gia tư vấn, cán bộ thực hành về cải tiến năng suất có trình độ chuyên sâu; cung cấp kiến thức, kỹ năng về quản lý, phát triển công nghệ, cải tiến năng suất chất lượng cho sinh viên các trường trực thuộc Bộ Công Thương.
Ngoài ra, tổ chức phong trào năng suất chất lượng, các cuộc thi về cải tiến kỹ thuật, thiết kế, phát triển sản phẩm, giải thưởng về năng suất được phát động và triển khai diện rộng trong các ngành công nghiệp.
Các nội dung chính của Chương trình trong giai đoạn 2021-2030
Tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.
Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sản phẩm, công nghệ và ứng dụng hệ thống quản trị tiên tiến.
Nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ, sản phẩm, cải tiến năng suất và chất lượng.
Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp ngành công nghiệp.
Những phương pháp tiếp cận mới
Đối với vấn đề tăng năng suất và quản lý chất lượng. Các nhóm giải pháp chính: Phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ; Phát triển, tăng cường tiềm lực cho hệ sinh thái phục vụ hoạt động đổi mới công nghệ, cải tiến năng suất và quản lý chất lượng; Nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện hoạt động phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ, cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng…; Hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN.
Đối với vai trò của các đối tượng tham gia: Doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm; Nhà nước có vai trò khuyến khích, tạo lập môi trường và các hệ sinh thái để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng; Hệ sinh thái về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp.
Đảm bảo tính kế thừa, khắc phục những hạn chế trong nội dung cũng như cách thức tổ chức thực hiện; đặt trong bối cảnh phát triển và các yêu cầu mới của doanh nghiệp về nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, đặc biệt tính tới yêu cầu của quá trình hội nhập, định hướng của Việt Nam trong việc hình thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới, chủ động tiếp cận và tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Nguồn: tapchicongthuong