​Nâng cao năng suất lao động: Doanh nghiệp còn lúng túng

Làm thế nào để tăng năng suất lao động, luôn được các doanh nghiệp (DN) quan tâm và từng bước triển khai. Tuy nhiên, nhiều DN đang lúng túng không biết phải bắt đầu từ đâu để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Vướng về cách tiếp cận Năng suất, chất lượng thường được coi là các yếu tố cơ bản cho quản trị và phát triển tổ chức, doanh nghiệp; là nền tảng cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, các hoạt động cải tiến liên tục và quản trị tinh gọn đã được nhiều DN sản xuất Việt Nam quan tâm và triển khai có hiệu quả, nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều DN triển khai nhưng kết quả không như mong muốn. Về vấn đề này Bà Vũ Hồng Dân – Trưởng phòng Tư vấn cải tiến năng suất, Viện Năng suất Việt Nam – cho biết: Kể từ năm 2012 đến nay, đã có trên 2.000 DN được hỗ trợ từ Đề án 712 trong việc áp dụng các phương pháp cải tiến, đổi mới sản phẩm. Về mặt nhận thức, DN đã có chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, hạn chế của DN chính là cách tiếp cận phương pháp cùng với kinh nghiệm và trình độ của đội ngũ chuyên gia tư vấn. Bên cạnh đó, nhiều DN quan tâm nhưng triển khai hoặc triển khai “nửa vời”, bởi họ muốn chuyển biến nhưng chưa có niềm tin vững chắc vào phương pháp, công cụ, cách thức của mình. Cũng có DN ngại thay đổi cách thức làm việc, đây gọi là rào cản tâm lý. Kinh nghiệm từ Nhật Bản Được thực hiện sau chiến tranh thế giới thứ 2, đến nay, công cuộc cải tiến năng suất của Nhật Bản khá thành công. Hiện khoảng cách năng suất lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản khoảng 79%. Thành công của Nhật Bản chính là một trong những bài học cho Việt Nam. Ông Kazuteru Kuroda – Giám đốc bộ phận Tư vấn (Trung tâm Năng suất Nhật Bản JPC) – chia sẻ: Để tăng năng suất, Nhật Bản thực hiện 3 nguyên tắc cơ bản, đó là giảm phí trong các công đoạn sản xuất -kinh doanh; có sự hợp tác giữa lãnh đạo và nhân viên; phân chia đồng đều về mặt lợi ích cho người lao động từ sự đóng góp hiệu quả do cải tiến mang lại. Phong trào năng suất với những nguyên tắc này đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong hơn 60 năm qua của Nhật Bản, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, các kiến thức về quản lý đã được thay đổi bằng việc nhấn mạnh vào sự đóng góp của người lao động. Đặc biệt chất lượng đã trở thành trách nhiệm của mọi người, khuyến khích được việc sử dụng các công cụ, phát triển các mô hình kiểm soát chất lượng theo phong cách Nhật Bản. “Cho tới nay, 3 nguyên tắc cơ bản vẫn được giữ vững, trong đó, nguyên tắc hợp tác giữa người lao động và người quản lý thông qua thỏa thuận chung trở nên đặc biệt quan trọng khi Nhật Bản phải đối diện với những thử thách mới: Thách thức của môi trường và toàn cầu hóa, những phát triển đột phá về công nghệ thông tin, sự giảm đi về dân số và một xã hội với dân số đang già đi” – ông Kazuteru Kuroda nhấn mạnh.
Ông Trần Trung Tưởng – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông: Hiện nay, nhiều chủ trương chính sách mới chỉ khuyến khích mà chưa phải là yêu cầu bắt buộc (như dán nhãn năng lượng) nên sẽ khó tạo ra mặt bằng cạnh tranh lành mạnh giữa các DN.

Nguồn: baocongthuong.com.vn

Tin mới