Mô hình điểm về cải tiến năng suất và kết quả từ các doanh nghiệp thành công

Nhiều mô hình thí điểm áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, hiện đại đã được tư vấn xây dựng, áp dụng.

Kết quả cho thấy, những hoạt động này đã mang lại hiệu quả thiết thực cho mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời thúc đẩy phong trào cải tiến năng suất, chất lượng trong các doanh nghiệp.

Tại tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm triển khai và duy trì hoạt động cải tiến năng suất tại doanh nghiệp do Viện Năng suất Việt Nam tổ chức diễn ra mới đây, các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông hay Công ty TNHH Công nghệ COSMOS đã triển khai thành công các dự án cải tiến và trở thành những mô hình điểm về áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, Áp dụng phương pháp cải tiến Lean Six Sigma để giảm lãng phí, giúp nâng cao năng suất tại doanh nghiệp.

Chia sẻ kinh nghiệm về thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 tại doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Việt – Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội khẳng định, doanh nghiệp muốn áp dụng các công cụ cải tiến, hãy áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 trước”, bước đầu cần hoạch định kế hoạch rõ ràng và cần có sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn từ Ban Lãnh đạo đến người lao động để triển khai các dự án cải tiến hiệu quả.

Theo ông Việt, mỗi doanh nghiệp có định hướng riêng, loại hình kinh doanh sản xuất riêng, do đó ISO 9001:2015 yêu cầu các doanh nghiệp phân tích bối cảnh doanh nghiệp mình hiện tại và tương lai để có cách tiếp cận phù hợp, hiệu quả.

Với Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, mô hình quản trị chiến lược cùng đổi mới công nghệ và áp dụng công cụ cải tiến đã mang lại thành công đáng kể cho doanh nghiệp này.

Là một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, Rạng Đông nhận định cần phải thay đổi khi mà sản phẩm chiếu sáng truyền thống đã ở giai đoạn bão hòa và sụt giảm sản lượng rất nhanh. Công ty quyết định áp dụng công cụ cải tiến như Lean Six Sigma vào dây chuyền sản xuất với sự tư vấn, hỗ trợ của chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam. Và quyết định đó là sáng suốt khi mà năng suất lao động có thời điểm đã tăng đến 200-300% và doanh thu từ sản phẩm LED – thay thế sản phẩm chiếu sáng truyền thống tăng lên đến 1000 tỷ.

Đầu tư về công nghệ cũng được công ty này đặc biệt chú trọng. Năm 2011, Rạng Đông đã xây dựng một trung tâm R&D nhằm nghiên cứu các sản phẩm mới ra mắt thị trường. Ngoài ra, thời gian vừa qua, để thực hiện đầu tư đổi mới khoa học công nghệ, Rạng Đông đã đầu tư lò thủy tinh nấu bằng điện hoàn toàn, năng suất vượt hẳn năng suất thiết kế để thay thế lò ga sản xuất ruột phích vốn có tác hại đến môi trường. Chuyên gia tư vấn đã giúp công ty bố trí lại layout mặt bằng để dây chuyền sản xuất đạt hiệu quả và tăng sản lượng đầu ra.

Mô hình doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến giúp tiết kiệm, giảm lãng phí tại Công ty TNHH Công nghệ COSMOS cho thấy, việc triển khai dự án Lean Six Sigma tại doanh nghiệp này hiện tại đã trở thành một nét văn hóa tại công ty. Với sự cam kết của Ban Lãnh đạo, sự quyết tâm của người lao động, trong năm 2018, công ty đã nhận được hơn 3000 đề án cải tiến và trong số đó, hơn 1000 đề án cải tiến năng suất được triển khai đã giúp tiết kiệm trên 5 tỷ đồng. Đây thực sự là con số ấn tượng và đáng để các doanh nghiệp học hỏi.

Đại diện doanh nghiệp, ông Ngô Văn Thắng chia sẻ, công ty đưa ra mục tiêu mỗi tháng và yêu cầu mỗi nhân viên có 1 đề tài/tháng, cán bộ cấp tổ trưởng trở lên sẽ có 2 đề tài/tháng. Công ty sẽ có Ủy ban thu thập các ý tưởng và phân loại. Theo đó, ý tưởng nhỏ nhân viên có thể tự triển khai nhưng dự án lớn thì sẽ có nhóm chuyên trách đến từ các bộ phận khác nhau triển khai. Người có càng nhiều ý tưởng sẽ được càng nhiều điểm và có phần thưởng tương xứng. Phần thưởng không nhất thiết dành cho những dự án đã triển khai hiệu quả mà có thể dành cho những ý tưởng mà Ban Lãnh đạo nhận thấy khả thi.

Nhận định về những kết quả từ doanh nghiệp khi triển khai áp dụng các công cụ cải tiến, bà Vũ Hồng Dân – chuyên gia tư vấn cải tiến, Viện Năng suất Việt Nam cho rằng, công cuộc cải tiến có thể làm ở các quy mô khác nhau, áp dụng mọi lúc mọi nơi mọi đối tượng. Tuy nhiên, quy trình làm như thế nào và cách thức duy trì để không bị mai một và chia sẻ tri thức được cho những thế hệ kế tiếp là vấn đề nhiều doanh nghiệp đang gặp phải.

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa là mục tiêu của các doanh nghiệp. Việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng là những giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường đặc biệt trong thời điểm hội nhập toàn cầu và cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chính vì vậy, những câu chuyện về áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất của doanh nghiệp hi vọng sẽ giúp các doanh nghiệp mong muốn cải tiến sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để triển khai các dự án thành công.

Các doanh nghiệp mong muốn cải tiến cần có sự đồng thuận giữa ban Lãnh đạo và nhân viên. Doanh nghiệp có thể tổ chức hội nghị, các buổi đào tạo nhằm tuyên truyền, phổ biến cho toàn thể cán bộ công nhân viên để sẵn sàng chuẩn bị tinh thần. Xác định rõ những vấn đề mang tính chiến lược, có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp hoặc liên quan đến những vấn đề khách hàng không hài lòng về doanh nghiệp. Đặc biệt cần lựa chọn phương pháp và đối tác hỗ trợ phù hợp.

Bà Vũ Hồng Dân Chuyên gia tư vấn cải tiến năng suất – Viện Năng suất Việt Nam

Nguồn: VietQ.vn

Tin mới