Từ sự ra đời của Internet cho đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những ứng dụng công nghệ ngày càng tiên tiến ra đời (như robot tự hành, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật…) đang dần thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với nhau.
Việc tận dụng các công nghệ này có thể giúp các doanh nghiệp quản lý chuỗi cung ứng của mình tốt hơn, tiết kiệm được nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả sản suất. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra một thách thức về vai trò của con người trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Vai trò mới của con người là gì trong khi rất nhiều công việc đang dần bị thay thế bởi máy móc?
ISO 27501 – Hệ thống quản lý lấy con người làm trung tâm, có thể giúp các tổ chức đối mặt với những thách thức này. Theo đó, các tổ chức sẽ không chỉ quan tâm đến khách hàng của họ mà còn cả các bên liên quan khác, bao gồm nhân viên, gia đình của họ và những cộng đồng rộng lớn hơn. ISO 27501 cũng đã phác họa trách nhiệm của các nhà quản lý, từ việc tổ chức chiến lược, xây dựng các quy trình, đặt yếu tố con người vào các quy trình đó cho đến việc hoàn thiện thủ tục và bắt tay vào thực hiện.
Phiên bản ISO 27501 được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn ISO 27500, một tiêu chuẩn cung cấp cho các nhà điều hành những lời giải thích về giá trị và niềm tin của một tổ chức đặt con người vào vị trí trung tâm. Các yêu cầu và khuyến nghị của nó cho thấy ISO 27500 phù hợp với mọi quy mô tổ chức dù lớn hay nhỏ, dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.
ISO 27500 đã đưa ra bảy nguyên tắc về tính tập trung vào con người, đó là:
– Tận dụng sự khác biệt của từng cá nhân như một nguồn sức mạnh cho tổ chức; – Tạo ra tính khả dụng và khả thi cho các mục tiêu kinh doanh chiến lược; – Tiếp cận một cách có hệ thống và tổng thể; – Đưa việc đảm bảo sức khỏe, an toàn và phúc lợi thành các ưu tiên của doanh nghiệp; – Trân trọng giá trị cá nhân và tạo ra công việc có ý nghĩa; – Trở nên cởi mở và đáng tin cậy hơn; và – Hành động theo hướng có trách nhiệm với xã hội.
Mỗi một tổ chức đều có cách thức quản lý khác nhau. Một số tổ chức lớn thường đem các yêu cầu được quy định trong ISO 27501 phân ra cho nhiều người quản lý, trong khi đối với một tổ chức nhỏ, điều này chỉ được thực hiện bởi một hay một vài người. Mặc dù không phải tất các các điều khoản của ISO 27501 được áp dụng giống nhau cho mọi loại tổ chức, tuy nhiên hầu hết các nội dung cốt lõi đều không có gì khác biệt. Do đó, phương pháp quản lý không phải là vấn đề đáng quan tâm nhất của các nhà điều hành mà thứ họ phải xác định đó là: Tổ chức của tôi đang hướng đến điều gì?
Peter Frener, Chủ tịch tiểu ban phát triển tiêu chuẩn mới cũng đã chia sẻ về vấn đề này: “Tuy rằng về căn bản, ISO 27501 sẵn sàng để áp dụng cho bất kì tổ chức nào, nhưng vấn đề tìm ra bộ phận cần được triển khai lại là trách nhiệm riêng của từng tổ chức. Điều này có thể đạt được thông qua việc các nhà quản lý tự cân nhắc và đối thoại cùng các bên liên quan.”