Nhờ thay đổi quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng thế giới mà đơn hàng và giá trị gia tăng của các doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm Việt đã tăng lên đáng kể.
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) – cho biết, sân chơi trong ngành chế biến thực phẩm cạnh tranh khắt khe hơn, bởi người tiêu dùng đang ngày càng có yêu cầu cao về chất lượng. Một khảo sát được BSA thực hiện và công bố hồi cuối tháng 2/2019 cho thấy, có tới 90% người tiêu dùng nhận định rằng “sản phẩm đạt các chứng nhận tiêu chuẩn như ISO, VietGAP, GlobalGAP…” sẽ giúp họ yên tâm hơn khi sử dụng.
Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh là tiêu chí bắt buộc đã được các sở, ngành, cộng đồng DN triển khai thực hiện. Nhất là trong bối cảnh Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực, sân chơi mới mở ra, nhưng cũng đồng thời sẽ khép lại những cơ hội nếu các DN Việt không bắt kịp xu thế này.
Xuất phát từ yêu cầu trên, Tổng giám đốc Công ty Vissan Nguyễn Ngọc An cho hay, từ năm 2011, Vissan đã đầu tư xây dựng cụm công nghiệp chế biến thực phẩm ở Long An với số vốn hơn 1.500 tỷ đồng. Cụm công nghiệp chế biến này gồm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1,dự kiến hoạt động năm 2019, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm; giai đoạn 2, dự kiến hoàn thành năm 2020, xây dựng các xưởng sản xuất chế biến các sản phẩm thực phẩm cao cấp có giá trị gia tăng cao.
“Nhờ cải tiến liên tục trong sản xuất, năm 2018, tổng doanh thu mạng lưới của VISSAN đạt 4.466 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Kế hoạch năm 2019, công ty dự kiến sẽ đạt tổng doanh thu 4.850 tỷ đồng, tăng 9% so với 2018” -ông An cho biết thêm.
Cũng trong cuộc đua này, các DN khác như Saigon Food, Satra Food, San Hà, Ba Huân… đã và đang có những bước đi phù hợp để bắt kịp xu hướng của người tiêu dùng. Ông Phạm Thanh Hùng – Phó Tổng giám đốc Công ty Ba Huân – chia sẻ, DN này đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng 4 nhà máy sản xuất trứng gia cầm công nghệ cao tại Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Long An và Hà Nội. Hiện các sản phẩm trứng gia cầm của Ba Huân phủ khắp các hệ thống siêu thi, cửa hàng, tạp hóa và chợ. Công ty cũng đang thực hiện những bước đi kế tiếp để đưa trứng “Made in Vietnam” xuất ngoại.
Ông Yasuo Nishitoghe – Tổng giám đốc AEON Việt Nam – đánh giá, những DN Việt Nam có sự thay đổi trong quy trình sản xuất, đáp ứng tiêu chí của người tiêu dùng đều có đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh. Trường hợp của Nhà máy chế biến thủy sản CP Bến Tre là một điển hình. Từ chỗ chỉ xuất khẩu với số lượng khiêm tốn, thì năm 2018, nhờ cải tiến trong quy trình sản xuất, nhà máy này đã có sản lượng xuất khẩu đạt 1.000 tấn, tăng gấp 20 lần so với 2017. Dự kiến, năm 2019 nhà máy này sẽ xuất khẩu tăng lên 1.500 tấn. “Sản phẩm cá tra đông lạnh của nhà máy này được người tiêu dùng Nhật Bản yêu thích, kéo theo sản lượng của nhà máy tăng gấp 20 lần trong năm 2018”- ông Yasuo Nishitoghe khẳng định.
Nguồn: Báo Công Thương