Để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời 4.0 nhất thiết phải tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực.
TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, vào năm 2025 có tới 90% dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí; dược sĩ robot đầu tiên ở Mỹ; 80% người dân hiện diện số trên Internet, ô tô sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D, thay thế điều tra dân số bằng các nguồn dữ liệu lớn. Đặc biệt, có tới 90% dân số dùng điện thoại thông minh và thường xuyên truy cập Internet; 10% xe chạy trên đường ở Mỹ là xe không người lái… Ông Linh nhận định, cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo ra lợi thế đón đầu công nghệ, tạo cơ chế, hành lang pháp lý thuận lợi; xây dựng cơ sở hạ tầng; khai thác trí tuệ, sáng tạo cộng đồng; kết nối nhân tài, quốc gia khởi nghiệp.
Tuy nhiên, theo phân tích của ông Linh, cách mạng 4.0 cũng có những nguy cơ, thách thức như tụt hậu về công nghệ, dư thừa lao động; bất bình đẳng xã hội. Đặc biệt, cuộc cách mạng này còn kéo theo thất bại trong cạnh tranh cũng như các vấn đề văn hóa, xã hội, môi trường.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho rằng, không dân tộc nào, quốc gia nào có thể phát triển bền vững nếu không chú trọng tới khoa học và công nghệ; không phát huy hiệu quả năng lực sáng tạo dựa trên nền tảng tri thức vững chắc cho người dân.
“Để đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn trong bối cảnh thế giới đang bước vào cách mạng công nghiệp 4.0, nhất thiết phải tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của mỗi người dân, mỗi tổ chức ở tất cả các ngành, lĩnh vực”, ông Nguyễn Hữu Giới nhấn mạnh.
Ông Giới cho biết thêm, để đưa nước ta trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại đòi hỏi phải lựa chọn con đường rút ngắn; phát huy mức cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo dựa trên nền tảng tri thức vững chắc của từng người dân.
Hiện Việt Nam đã triển khai dự án “Phát triển hệ tri thức Việt số hóa” nhằm mục đích nhanh chóng tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ tới người dân một cách thuận tiện, hiệu quả. Yêu cầu được đặt ra hiện nay là phổ biến tri thức khoa học công nghệ tới mọi người dân thông qua ứng dụng tích hợp công nghệ thông tin hiện đại, phù hợp với nhu cầu và điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay. Việc xây dựng, triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa sẽ đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu, góp phần nâng tầm tri thức Việt Nam.